Đăng nhập

Y khoa nổi bật: tái sinh nhiều cuộc đời nhờ tạng hiến | cấp cứu thành công ca vỡ tim

VOH - Ghép đồng thời tim và gan từ người cho chết não; Bệnh viện đầu tiên ở miền Trung ghép tủy đồng loại thành công; Kích hoạt báo động đỏ cứu sống bệnh nhân thủng tim...Y khoa nổi bật tuần qua.

87 cuộc đời được hồi sinh nhờ tạng hiến của người cho chết não

Số lượng ca chết não hiến mô tạng trong 9 tháng đầu năm 2024 là 25 ca (năm 2023 chỉ có 14 ca chết não hiến mô tạng), góp phần làm tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/829 bệnh nhân ghép (đạt tỷ lệ 10,49%). Đây cũng được coi là số kỷ lục của Việt Nam, vì trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não khoảng từ 5% đến 6%.

Thông tin tại hội thảo về hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam do Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp Hội Ghép tạng Việt Nam và Học viện Quân y tổ chức ở Hà Nội cho biết, đến nay cả nước đã có 29 bệnh viện thực hiện ghép tạng, trong đó có 27 bệnh viện ghép thận, 8 bệnh viện ghép gan, 5 bệnh viện ghép tim, 4 bệnh viện ghép phổi và 2 bệnh viện ghép được tụy. Các bệnh viện đã tiến hành ghép tạng cho hàng trăm bệnh nhân thời gian qua.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia, hiện nay Việt Nam đã thực hiện và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật ghép các tạng trên người như: ghép thận, ghép gan, ghép phổi, ghép tim, ghép tụy.

Mặc dù tỷ lệ đăng ký hiến tặng của người dân và tỷ lệ hiến tặng sau chết của Việt Nam có tăng dần, tuy nhiên nguồn mô, tạng hiến chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, ghép tạng ngày càng tăng.

nhung-dieu-can-biet-khi-dang-ky-hien-tang-2_0405141323Xem toàn màn hình
Hiến tạng - sự sống trao đi là còn mãi

Người Việt đầu tiên được ghép đồng thời tim và gan từ người cho chết não cách 300 km

Bệnh nhân Đ.V.H (41 tuổi) mắc bệnh cơ tim giãn khiến tim, gan, thận đều bị suy giai đoạn rất nặng, thời gian sống tính theo ngày, được ghép đồng thời tim gan từ người cho chết não ở cách 300 km.

Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cuối tháng 9 trong tình trạng suy tim mất bù, không đáp ứng phương pháp điều trị thông thường, đặc biệt suy gan phát triển cấp tính, thận theo đó cũng bị ảnh hưởng.

Các xét nghiệm cho thấy anh có tình trạng đông máu rối loạn nghiêm trọng, duy trì bằng máy tim phổi nhân tạo (ECMO) thay chức năng tim, lọc gan thay chức năng gan. Cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh là thay thế đồng thời tim và gan.

Cùng thời điểm này, Bệnh viện Việt Đức nhận được thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có bệnh nhân chấn thương sọ não nặng, khó qua khỏi. Gia đình bệnh nhân có nguyện vọng hiến tạng.

Một ê-kíp của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) được tăng cường vào Nghệ An hỗ trợ hồi sức cho người bệnh, đánh giá tình trạng chết não và tình trạng các tạng. Trưa 1/10, các bác sĩ xác định bệnh nhân chết não và các tạng của bệnh nhân có thể sử dụng để ghép cho những người bệnh khác.

Ngoài một nhóm thầy thuốc ở lại Nghệ An giúp cho thực hiện đồng thời 2 ca ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, nhóm còn lại của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khẩn trương đưa tạng lấy được ở Nghệ An về Hà Nội (cách 300km). Sau 3,5 giờ di chuyển, tạng đã được đưa về Thủ đô.

Sau 8 tiếng ghép tim và gan mới vào cơ thể người bệnh, trái tim ghép đã bắt đầu đập trở lại. Bệnh nhân được chuyển về hồi sức và chăm sóc đặc biệt. Sau 36 tiếng, các chức năng gan - tim đã hồi phục dần. Đặc biệt, trái tim đã thay thế hoàn toàn cho trái tim hỏng, các chức năng gan tốt dần lên.

Tới ngày 9/10, bệnh nhân có thể nói chuyện, tiếp xúc, ăn uống trở lại, chức năng tim tốt lên hàng ngày; chức năng gan hồi phục gần trở về bình thường, mật được tiết ra với chất lượng tốt.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ triển khai thành công ca ghép tim gan đồng thời trên một bệnh nhân đặc biệt ở giai đoạn nặng.

TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, sự thành công của ca ghép đồng thời tim - gan cho cùng một bệnh nhân đầu tiên không chỉ là niềm tự hào của riêng bệnh viện, mà còn khẳng định cho sự tiến bộ vượt trội của ngành y tế nước nhà.

4 người tìm lại được ánh sáng nhờ giác mạc của 2 người hiến tạng

Ngày 11/10, Trung tâm Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho 4 bệnh nhân vừa được ghép giác mạc thành công từ người hiến tặng chết não. Nhờ những hành động nhân đạo này, bốn bệnh nhân mắc bệnh giác mạc đã có cơ hội tìm lại ánh sáng, cải thiện cuộc sống hàng ngày.

Lãnh đạo Trung tâm Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, ngày 27/9, khi nhận thông tin về nguyện vọng hiến tặng giác mạc của một bệnh nhân nam 41 tuổi, chết não tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định từ Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, các bác sĩ của đơn vị đã nhanh chóng thu nhận giác mạc và tiến hành ghép cho 2 bệnh nhân: một bệnh nhân nữ 40 tuổi từ Gia Lai và một bệnh nhân nam 50 tuổi đến từ Thừa Thiên Huế.

Vào ngày 30/9, Trung tâm Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận giác mạc từ một bệnh nhân hiến tặng chết não khác, 36 tuổi, tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Sau khi sàng lọc kỹ lưỡng, giác mạc được ghép thành công cho 2 bệnh nhân: một nam bệnh nhân 30 tuổi từ Gia Lai và một bệnh nhân nam 65 tuổi đến từ Thừa Thiên Huế.

Trước đó, cả 4 bệnh nhân nói trên đều trải qua những tháng năm dài sống trong mù lòa, không nhìn thấy ánh sáng và cuộc sống xung quanh.

Tại lễ xuất viện, 4 bệnh nhân được ghép giác mạc đã tự nguyện đăng ký hiến tạng của bản thân sau khi qua đời. Đây là cách mà cả 4 bệnh nhân chọn để cảm ơn gia đình của 2 bệnh nhân hiến giác mạc, cám ơn các bác sĩ đã giúp họ nhìn thấy lại cuộc đời tươi đẹp.

Bệnh viện đầu tiên ở miền Trung ghép tủy đồng loại thành công

Ngày 7/10, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại đầu tiên trên bệnh nhi mắc bệnh lý tan máu bẩm sinh.

Ca ghép đầu tiên là cháu T.V.T (42 tháng tuổi; ngụ tại TP Đà Nẵng), được chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh khi 2 tháng tuổi và phải vào bệnh viện truyền máu hằng tháng. Sau khi xét nghiệm HLA, cháu được xác nhận phù hợp hoàn toàn với chị gái ruột. Đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế, dưới sự hướng dẫn của GS Lawrence Faulkner từ Tổ chức DKMS - Đức, đã thực hiện ghép tủy thành công cho bệnh nhân này.

Mặc dù gặp biến chứng xuất huyết phế nang lan tỏa hiếm gặp, nhờ vào sự chăm sóc và phát hiện kịp thời của đội ngũ y tế, cháu T. đã hồi phục và hiện nay đã xuất viện, với lịch tái khám định kỳ.

Trường hợp thứ 2 là cháu Phạm L.H.V (8 tuổi), được chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh từ khi 17 tháng tuổi, phải thường xuyên vào viện truyền máu. Sau khi kiểm tra, bệnh nhân V. cũng phù hợp hoàn toàn với chị ruột và được tiến hành ghép tủy đồng loại. Quá trình ghép diễn ra thành công, mặc dù cháu gặp biến chứng sốt giảm bạch cầu hạt nhẹ nhưng nhanh chóng hồi phục.

GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, thành công trong việc ghép tủy đồng loại tại Bệnh viện Trung ương Huế không chỉ mang lại hy vọng cho các bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh, mà còn mở ra triển vọng điều trị cho các bệnh lý khác cần ghép tủy đồng loại, như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh và ung thư tái phát…

462556704_1065837691859217_5216898417338886449_n
Ca ghép thành công mang đến nhiều hy vọng cho các cháu mắc những căn bệnh khác cần tiến hành ghép tủy đồng loại như như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư tái phát… điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh SKĐS

Kích hoạt báo động đỏ cứu sống bệnh nhân thủng tim

Ngày 11/10, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân 23 tuổi bị đâm thủng tim hiện sức khỏe đang dần ổn định.

Trước đó, khoảng hơn 22h ngày 7/10, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh tiếp nhận nam bệnh nhân 23 tuổi (ngụ tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) trong tình trạng vết thương ở ngực trái, lơ mơ, da nhợt nhạt, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, tiếng tim mờ.

Nhận định đây là trường hợp choáng mất máu do vết thương thấu ngực thủng tim, rất nguy kịch, ngay lập tức bệnh viện đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ toàn viện. Đội ngũ y bác sĩ đang trực tại các khoa đã ngay lập tức có mặt nỗ lực sơ cứu, hồi sức và tiến hành phẫu thuật tối khẩn.

Tại phòng mổ, sau khi tiến hành mở ngực, các bác sĩ nhận thấy vùng tâm nhĩ phải có nhiều máu tụ. Tiếp tục mở màng phổi hút sạch máu tụ thấy máu từ tâm nhĩ phải phun thành vòi, phát hiện có vết thương xuyên thủng tâm nhĩ phải khoảng 0,7mm. Ngay lập tức, các bác sĩ đã khâu vết thủng tại tâm nhĩ phải, cầm máu, đồng thời truyền bổ sung 2 đơn vị máu.

Bác sĩ Phạm Phú Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Thiện Hạnh, cũng là bác sĩ trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, khi vào viện, cơ hội sống của bệnh nhân còn rất ít. Tuy nhiên, bệnh viện kích hoạt hệ thống báo động đỏ, chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân. Hiện sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống được và đang được theo dõi chặt chẽ.

Người đàn ông bị vỡ tim được cứu sống ngoạn mục

Ngày 9/10, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết bệnh nhân L.V.P (26 tuổi; trú huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bị vỡ tim, sau khi được các y-bác sĩ phẫu thuật, chăm sóc tích cực, sức khoẻ ổn định, tỉnh táo hoàn toàn, được rút dẫn lưu ngực và có thể xuất viện.

Vào khuya 3/10, ông P. nhập viện với tình trạng khó thở nhiều, tím tái do vỡ tim vì tai nạn giao thông, tính mạng nguy kịch.

Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành kích hoạt quy trình "báo động đỏ liên viện". Một ê - kíp phẫu thuật tim mạch kèm theo thuốc men, trang thiết bị từ Bệnh viện Trung ương Huế khẩn trương nhanh chóng ra cơ sở 2 để phối hợp thực hiện phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

Khoảng 20 phút sau, họ đã có mặt tại phòng mổ, bệnh nhân và các phương tiện đã chuẩn bị sẵn sàng trong quá trình chờ đợi. Ê - kíp phẫu thuật thực hiện dưới sự điều hành của ThS-BS Nguyễn Xuân Hùng, Phó Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực - Tim mạch, đã tiến hành cắt xương ức bộc lộ toàn bộ màng tim, máu đang chảy phụt rất mạnh, lượng máu mất khoảng 2,5 lít.

Các bác sĩ tiến hành kẹp lỗ thủng và nhanh chóng khâu lại lỗ thủng khoảng 2 cm, cầm máu. Cuộc phẫu thuật nhanh chóng hoàn thành và thành công, sức khoẻ bệnh nhân dần hồi phục tốt.

462353339_3920221438201839_5758338569630017982_n
Bị vỡ tim đối diện nguy cơ tử vong rất cao - Ảnh NLĐ

Cứu sống nữ bệnh nhân 33 tuổi bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người"

Ngày 10/10, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết các bác sĩ đã kịp thời cứu sống nữ bệnh nhân Đ.T.M.L (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" Whitmore.

Trước khi nhập viện, chị L. bị sốt cao và đã đến khám tại cơ sở y tế gần nhà. Tuy nhiên, sau 3 ngày, bệnh tình của chị nhanh chóng chuyển biến xấu, dẫn đến suy hô hấp và khó thở nên được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu.

Tại đây, chị L. được chẩn đoán suy hô hấp cấp do viêm phổi nặng, với tổn thương phổi lan rộng tới 70% thể tích.

Chị L. được can thiệp bằng phương pháp oxy hóa máu màng ngoài cơ thể (VV-ECMO) và thông khí bảo vệ phổi, cũng như thông khí nằm sấp. Sau 48 giờ, các xét nghiệm xác nhận chị dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, tác nhân gây bệnh Whitmore.

Nhờ phương pháp điều trị trúng đích, tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Sau 7 ngày, chị đã được cai máy thở và gần như hồi phục hoàn toàn sau 14 ngày điều trị.

Nối ngón tay bị đứt lìa cho bé trai 6 tuổi bị tai nạn sinh hoạt

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, vừa điều trị phẫu thuật nối liền ngón tay cho một bé trai 6 tuổi bị đứt lìa 3 ngón tay sau khi dùng dao bổ mít.

Bệnh nhi L.M.Đ được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng vết thương đứt lìa 3 ngón tay ở bàn tay trái gồm ngón 3, 4 và 5. Trong đó, người nhà bệnh nhi chỉ đưa phần ngón tay số 4 bị đứt lìa, 2 ngón còn lại không tìm thấy.

Ngón tay số 4 bị đứt lìa được người nhà bảo quản cẩn thận và đưa đến bệnh viện kịp thời. Trải qua hơn 3 tiếng đồng hồ, kíp mổ đã phẫu thuật khâu nối vi phẫu xong vết thương cho bé.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó khoa Bỏng – Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đứt lìa ngón tay là các vết thương phức tạp, thường gặp. So với người lớn, khản năng phục hồi của trẻ tốt hơn. Bên cạnh đó, khâu nối thành công sẽ giúp tái lập tuần hoàn mới, phục hồi chức năng, tránh co rút, nhiễm trùng, tránh được các di chứng. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào quy mô, tình trạng của vết thương.

Bác sĩ Ngà khuyến cáo khi gặp sự cố, cần ưu tiên cầm máu bằng băng gạt hay dùng khăn, vải sạch quấn lại và đến cơ sở y tế gần nhất. Với các bộ phận bị đứt lìa nên bảo quản, tránh nhiễm trùng.

Bình luận