Nghe bài viết:
Đó là những dòng chia sẻ của Ngọc Giàu, cô gái trẻ sinh năm 1983, người lập nên Ngôi nhà xanh hy vọng, ngôi nhà của tình yêu thương, sự sẻ chia, dành cho những mẹ đơn thân cơ nhỡ. Câu chuyện trong ngôi nhà ấy, với trái tim tràn đầy tình yêu thương của cô gái nhỏ, một bà mẹ trẻ không trọn vẹn hạnh phúc riêng nhưng lại đầy ắp tình yêu chung.
“Giàu là ân nhân của mẹ con chị. Nếu không có Giàu chắc chị chết rồi” – chị nói trong tiếng nấc nghẹn ngào dù đã cố gắng kìm nén cảm xúc. Khi nghe tôi bảo em muốn trò chuyện với chị chút xíu thì chị bảo chuyện của chị không thể lên báo, lên Đài gì được. Tôi biết, chị đang có điều khó nói. Mà, đã ở trong căn nhà này, có chuyện của ai dễ nói ra cho người khác nghe đâu. Chị lặng đi, chỉ có những giọt nước mắt là không ngừng rơi. Tôi nắm lấy bàn tay chị bóp nhẹ. Đêm Sài Gòn ở vùng ven có những khoảng thật bình yên. Vậy mà, khi nghe câu chuyện của chị, lòng tôi dậy sóng.
Hai mươi ba năm, cuộc sống của chị là những ngày tù ngục. Hai mươi ba năm, nỗi kinh hoàng đến hôm nay vẫn hằn trong mắt chị khi nhớ về ngồi nhà mà mình đã từng sống. Hai mươi ba năm… sống mà như chết. Để rồi, chị được hồi sinh khi gặp Giàu, một cô gái nhỏ nhắn nhưng đầy hoài bão, ước mơ.
Phải đến 8 năm sau khi ra trường tôi mới gặp Giàu, người bạn học chung với tôi thời đại học. Tôi đã thật sự rất ngỡ ngàng khi nghe chuyện của bạn. Cô gái nhỏ xíu, nụ cười luôn nở trên môi sao lại gặp nhiều bất trắc đến thế. Bạn đã từng có ý định tử tử sau bao nhiêu cố gắng cũng không giữ được mái ấm của mình và phải ôm đứa con nhỏ ra đi. Tôi xa xót đổ thừa “chắc tại chúng tôi đều là con gái Văn Khoa”. Rồi cuộc sống cứ thế trôi, chúng tôi mỗi người một công việc, chỉ nhờ facebook để biết tin nhau hàng ngày. Tôi thấy bạn nói về ước mơ của mình, nói về việc thành lập một ngôi nhà, ngôi nhà xanh hy vọng dành cho những mẹ đơn thân cơ nhỡ. Bản thân cứ nghĩ rằng, bạn đang làm việc cho một tổ chức nào đó. Cho đến khi biết được, bạn chính là chủ nhân của ngôi nhà, tôi mới thấy mình vô tâm quá. Sắp xếp công việc, tôi tìm đến bạn, để rồi lòng mênh mang khi nghĩ về những câu chuyện mình được nghe.
Căn nhà Giàu thuê khá rộng, nằm ở một quận vùng ven, là một nơi khá yên tĩnh. Khi chúng tôi vào thì đứa bé 10 tháng tuổi đang bú mẹ, mặt phúng phính sữa. Bạn của Giàu thi thoảng cũng ghé thăm nên các em trong nhà đón chúng tôi khá thoải mái. Chỉ đến khi từng mẹ ngồi riêng, kể cho tôi nghe câu chuyện của mình, nỗi buồn mới cuộn đầy trong mắt.
Bà mẹ trẻ có con 10 tháng tuổi đã tốt nghiệp đại học, đang có công việc ổn định bỗng một ngày phải bỏ lại tất cả, cả người mẹ đang đau ốm nằm trong bệnh viện để ra đi. Em bảo em và bạn trai quen nhau mấy năm trời, đến khi biết tin em có thai, người ấy không dám nhận trách nhiệm. Hỏi sao em quyết định giữ bé, có biết rằng cuộc sống của em sẽ rất khó khăn không. Em nói: "Đó là giọt máu của mình, dù có khó khăn thế nào, em cũng quyết không bỏ con"
Dưới mái nhà ấy họ cảm nhận được vòng tay chia sẻ - Ảnh: P.H
Cô gái thứ 2 tôi trò chuyện, năm nay mới 23 tuổi. Em mới sinh 3 tháng, gầy nhom, như đứa trẻ 13, 14 tuổi chưa kịp phát triển. Em bảo chia tay người yêu trước khi biết cái thai trong bụng đã hình thành, và em cũng đã quyết định giữ lại nó vì con trẻ nào có tội gì đâu. Và khi đến với ngôi nhà này, em có cảm giác như được ở trong vòng tay gia đình. "Mọi người ở đây gắn bó, yêu thương nhau như chị em trong một gia đình"
Ngồi trước mặt tôi là người mẹ trẻ bụng 8 tháng vượt mặt. Chưa nói được câu nào em đã khóc. Em khóc vì sợ. Khóc vì lo trước ngày vượt cạn không người thân thích. Khóc vì nỗi tủi hờn của một đứa con xa xứ. Em dân miền Bắc, biết Giàu qua những mẹ đơn thân khác giới thiệu và vừa vào ngôi nhà này được có mấy ngày. Hoàn cảnh của em, nghe ra thật xót xa:
Hỏi về dự định tương lai, chẳng em nào biết rồi mình sẽ bước tiếp con đường này như thế nào. Nhưng hiện tại, có được cuộc sống như hôm nay đã là may mắn. Và các em biết, tất cả đều nhờ chị Giàu !
Như chị, người phụ nữ phải “thoát ly” khỏi gia đình của mình vì tù ngục nói: tụi nó có lỗi, nhưng cũng tội nghiệp lắm. Bản thân con gái chị, đứa con gái 23 tuổi, có cưới hỏi đàng hoàng, con có cha đàng hoàng, nhưng hoàn cảnh bất đắc dĩ, mẹ con bà cháu phải trú ngụ nơi ngôi nhà này. Nếu, không có Giàu, chẳng biết ra sao. Trước khi gặp Giàu, đã không ít lần chị có ý định tự tử.
Giàu bên một mầm sống trong ngôi nhà xanh - Ảnh: P.H.
Giàu bận, rất bận. Cô gái bé nhỏ ấy gần như chẳng biết mệt là gì, dù có những đêm chỉ ngủ 2, 3 tiếng đồng hồ. Giàu nói khi mở ra ngôi nhà này, bất kì công việc nào phù hợp mình cũng nhận làm. Không chỉ có trách nhiệm với con trai, với ba mẹ ở quê, mà Giàu là chỗ dựa gần như duy nhất của những người mẹ trẻ đơn độc khi tìm đến bạn.
Nói tới mẹ đơn thân, thật khó để tìm được sự cảm thông bởi cái nhìn khắt khe của người đời. Mà mẹ đơn thân như các em, mấy ai cảm thông cho cái sự bồng bột, vừa yêu đã vội trao đi cái quý giá nhất của đời con gái. Cũng chính vì thế mà như chia sẻ của Giàu, đôi khi đã sai lại càng sai nếu không có những con người bao dung, những tấm lòng độ lượng như Giàu đưa tay ra nắm lấy bàn tay họ. Chẳng ai hoàn hảo.
Tôi đến với “Ngôi nhà xanh hy vọng” bằng sự sẻ chia.
Ra về, tôi mang theo sự cảm phục lẫn tin tưởng. Có những người như bạn của tôi, đúng như cái tên của bạn, Ngọc Giàu, thì cuộc đời này sẽ bớt đi những bất hạnh; sẽ bớt đi những nỗi đau con trẻ phải bơ vơ đầu đường xó chợ; và, sẽ bớt đi những bà mẹ trẻ phải rơi vào cảnh khốn cùng.
Hãy yêu thương con trẻ và yêu thương cuộc đời, chúng ta sẽ mạnh mẽ để bước đi dù trái tim đã nhiều tổn thương, không còn nguyên vẹn. Tôi tin lời bạn nói và từ những gì tôi thấy được trong ngôi nhà xanh hy vọng của bạn.