Sangeeta Mali, 23 tuổi, nói với tòa án Bhilwara rằng chồng cô, Chotu Lal Mali, đã đồng ý xây nhà vệ sinh của cô khi họ cưới nhau vào năm 2011 nhưng không làm. Mali nói rằng, cô ấy xấu hổ vì phải đi vệ sinh ở những cánh đồng xung quanh ngôi nhà tại làng Pur mà không có sự riêng tư hay sự thoải mái.
"Mỗi ngày tôi phải chờ đợi đến khi trời tối để không ai xung quanh nhìn thấy mình và buộc tôi phải bắt bàng quang làm việc quá mức. Tôi không thể sống với căng thẳng nữa", cô nói với Guardian.
Trong hai năm qua, Mali đã phải sử dụng nhà vệ sinh tại nhà mẹ cô ở một làng khác. Vào cuối năm 2015, do không có nhà vệ sinh gần nhà, cô đã quyết định nộp đơn xin ly hôn.
Một nhà vệ sinh mới được lắp đặt tại làng Marora, thuộc Haryana, Ấn Độ. (Ảnh: EPA)
Thẩm phán Rajendra Kumar Sharma nói rằng, việc buộc một người phụ nữ phải đi vệ sinh ở bãi đất trống là hình thức "tra tấn tinh thần" là một điều ô nhục trong thế kỷ 21. Ông nhấn mạnh rằng, Ấn Độ phải giúp người dân tiếp cận vệ sinh, vì không thể để phụ nữ trong các làng phải chịu đựng đau đớn cơ thể và luôn phải chờ trờ tối để… giải phóng.
"Thật là châm biếm khi người ta chi tiêu rất nhiều tiền cho rượu, thuốc lá và điện thoại di động nhưng lại không xây nhà vệ sinh gần nhà” – ông Sharma đánh giá.
Luật sư của Mali, Rajesh Sharma nói rằng, ông hài lòng với kết quả và ý nghĩa của vụ ly hôn: "Chúng tôi rất lạc hậu so với các nước khác. Nếu muốn phụ nữ của chúng ta sống một cách tôn trọng và muốn đất nước chúng ta trở nên sạch sẽ và tuyệt vời hơn nữa, chúng ta phải xây dựng nhà vệ sinh không chỉ cho Mali mà cả phụ nữ Ấn Độ, ở các làng hay thành phố".
Mali không phải là người phụ nữ đầu tiên hành động liên quan đến vấn đề vệ sinh. Vào tháng 3, một cô dâu ở bang Telangana, ở miền nam Ấn Độ, đã từ chối kết hôn cho đến khi vị hôn phu chịu xây nhà vệ sinh. Và vào tháng 4 năm ngoái, một cô dâu ở Kanpur đã hủy đám cưới vào phút chót vì lý do tương tự.
Ước tính 2,3 tỷ người trên thế giới không có nhà vệ sinh và hơn 1/3 số đó sống ở Ấn Độ. Vào năm 2014, chính phủ Ấn Độ đã khởi động sứ mệnh làm sạch Ấn Độ để xây dựng hơn 100 triệu nhà vệ sinh và kết thúc dự án vào năm 2019.
Các cuộc tranh luận về vấn đề vệ sinh đã lên tới màn ảnh rộng, và trường hợp của Mali được nhắc đến trong nội dung của một bộ phim Bollywood vừa phát hành tên là Toilet: A Love Story. Bộ phim nói về một phụ nữ đe dọa rời khỏi chồng trừ khi anh ta xây nhà vệ sinh. Để giành lại tình yêu, anh chồng bắt tay vào một chiến dịch để thay đổi chính sách thiếu thốn nhà vệ sinh của làng.
"Tôi không thể hiểu tại sao chúng ta có thể phóng tên lửa lên mặt trăng và sao Hỏa nhưng vẫn không thể xây nhà vệ sinh để kết thúc việc đi vệ sinh ngoài trời", ngôi sao của bộ phim, Akshay Kumar, nói với tờ Times của Ấn Độ.