Năm 2023 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử loài người, với các đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng tấn công châu Á, châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ trong những tháng gần đây - những sự kiện mà các nhà khoa học cho rằng đang trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội chính thức của mình rằng, Đài thiên văn Nanjiao của Bắc Kinh đã ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất là 27,5 độ C vào thứ Tư, “lập kỷ lục về nhiệt độ không khí trong 10 ngày cuối tháng 10”.
Các khu vực phía bắc Trung Quốc xung quanh thủ đô, nhiệt độ gần hoặc vượt quá 30 độ C, với 237 đài quan sát phá kỷ lục về nhiệt độ vào thời điểm này trong năm.
Bài viết cho biết thêm rằng, “loại nhiệt độ này tương đối hiếm trong 10 ngày cuối tháng 10”.
Trung Quốc đã trải qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đạt nhiệt độ kỷ lục trong mùa hè này.
Vào ngày 16/7, mức nhiệt kỷ lục 52,2 độ C đã được ghi nhận ở thị trấn Sanbao thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.
Mức nhiệt này đã phá vỡ kỷ lục trước đó là 50,3 độ C, đo được vào năm 2015 ở khu vực hồ Ngải Đinh cũng thuộc khu tự trị Tân Cương. Đây là một khu vực rộng lớn gồm cồn cát và hồ khô cạn ở độ sâu 150 mét dưới mực nước biển.
Không chỉ nắng nóng, mưa lớn ở nhiều nơi tại Trung Quốc đã giết chết hàng chục người và làm ngập lụt nhiều khu vực rộng lớn ở miền bắc trong tháng 8, bao gồm cả vùng ngoại ô Bắc Kinh.
Vào ngày 22/1, nhiệt độ ở thành phố Mohe, phía đông bắc tỉnh Hắc Long Giang, đã giảm xuống âm 53 độ C, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ thấp nhất mọi thời đại ở Trung Quốc trước đó (52,3 độ C vào năm 1969).
Kể từ đó, miền trung Trung Quốc đã phải hứng chịu những trận mưa lớn nhất trong suốt một thập kỷ qua, gây ra sự tàn phá với những cánh đồng lúa mì ở khu vực này.