Chờ...

Bắc Mỹ: Hơn 800 người đột tử do nắng nóng kỷ lục

(VOH) - Tuần qua, tỉnh Bristish Columbia ghi nhận 719 trường hợp đột tử tại miền Tây nước này vào thời điểm nắng nóng 44 - 49 độ C kéo dài.

Theo Sky News, giới chức y tế của Canada cho biết trong tuần qua ghi nhận 719 trường hợp đột tử tại tỉnh Bristish Columbia, miền Tây nước này, vào thời điểm nắng nóng 44 - 49oC kéo dài, cao gấp 3 lần con số trung bình cùng kỳ các năm trước.

Trong khi đó, giới chức Mỹ cũng đang điều tra về 100 trường hợp đột tử tại bang Oregon, địa phương ghi nhận nhiệt độ cao 47oC trong tuần qua.

bac-my-hon-800-nguoi-dot-tu-do-nang-nong-ky-luc-voh.com.vn-anh1
Người dân Maple Ridge, bang Bristish Columbia, Canada ngồi ngâm mình dưới nước biển. Ảnh: Reuters

Cơ quan Điều tra những vụ chết bất thường tại tỉnh British Columbia cho rằng, thời tiết khắc nghiệt mà British Columbia đang hứng chịu là yếu tố làm tăng đáng kể số người qua đời. Nhiều trường hợp tử vong là những người cao tuổi sống một mình tại nhà riêng.

Theo nhận định, số ca đột tử còn có thể cao hơn do một số địa phương chưa cung cấp dữ liệu, dù xu hướng này đang giảm nhờ thời tiết đang dần bớt nóng.

Giới khoa học Canada bất ngờ khi đợt nắng nóng này diễn ra trong tháng 6 thay vì cuối tháng 7 hoặc tháng 8 như thường lệ.

Tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, tháng 6 thường được gọi là "Juneuary" với những cơn mưa mát mẻ và nhiệt độ cao nhất thường chỉ xoay quanh mốc 21,1 độ C. Nhưng năm nay, cái nắng như thiêu đốt đã đẩy nhiệt độ lên mức cao kỷ lục ở nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ như Seattle (42 độ C), Portland (46,6 độ C) và Salem (47,2 độ C).

Trước cái nắng gây gắt chưa từng có, cư dân của nhiều khu vực trên khắp Canada và Mỹ phải đến sông hồ và các trung tâm trú nắng để giải nhiệt trong khi các trung tâm xét nghiệm Covid-19, trường học… buộc phải đóng cửa.

Ở những khu vực nơi phần lớn người dân không lắp điều hòa, một số phải ngủ trong xe đậu dưới các bãi đậu xe tầng hầm hay sử dụng "máy lạnh" tự chế bằng quạt và túi đá.

Những con số kỷ lục trên được gây ra bởi hiện tượng "vòm nhiệt", cụm từ dùng để chỉ một khu vực có áp suất cao khiến khí nóng "bị nhốt" bên trong, dẫn đến hiện tượng nắng nóng cực đoan ở các khu vực bên dưới.

Tại khu vực Trung Á, nắng nóng kỷ lục và hạn hán đang gây ra tình trạng thiếu nước và mất mùa. Uzbekistan bước vào tháng 6 với lời cảnh báo nhiệt độ từ ngày 3 đến 7/6 có thể tăng thêm 7-10 độ C so với thông thường. Nhiệt độ đo được tại Thủ đô Tashkent vào ngày 6/6 là 42,6 độ C - cao hơn 4,1 độ C so với kỷ lục trước đó đối với riêng ngày này vào năm 1811.

Giám đốc Trung tâm Khí tượng Tajikistan Jamila Baydulloeva cho biết trong tuần đầu tiên của tháng 6, có những ngày nhiệt kế chạm mốc 45 độ C ở Thủ đô Dushanbe và tỉnh Khatlon. Đây là con số cao kỷ lục từng được Tajikistan ghi nhận vào đầu tháng 6 trong suốt nhiều thập kỷ.

Tại Thủ đô Ashgabat của Turkmenistan cũng đang trải qua tháng 6 với nhiệt độ có ngày lên đến 45 độ C trong khi mùa hè chỉ mới bắt đầu. Thông thường, tháng 7 và tháng 8 mới là thời điểm nóng nhất trong năm của Ashgabat nói riêng và Trung Á nói chung.

Bản thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc dự kiến được công bố vào tháng 2/2022, nếu nhiệt độ trung bình trên trái đất tăng thêm 1,5 độ C - tức thêm 0,4 độ C so với mức hiện tại, 14% dân số thế giới sẽ hứng chịu những đợt nắng nóng cực đoan ít nhất 5 năm/lần.