Chờ...

Bangladesh: Khủng hoảng nghiêm trọng, hàng ngàn tù nhân vượt ngục

BANGLADESH - Theo thông tin giới chức Bangladesh tiết lộ với Hãng tin AFP ngày 10/8, ít nhất 3 vụ phá ngục, trốn tù đã diễn ra ở nước này kể từ khi cựu thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và đi khỏi đất nước ngày 5/8.

Ngày 8/8, một nhóm tù nhân tại nhà tù Jamapur ở phía bắc thủ đô Dhaka đã bất ngờ tấn công các quản giáo.

Trưởng trại Abu Fatah cho biết: "Họ tấn công chúng tôi bằng gậy sắt và vũ khí sắc nhọn. Họ đốt văn phòng của tôi. Sau đó họ tìm cách trốn thoát, dẫn theo toàn bộ 600 tù nhân. Chúng tôi buộc phải nổ súng. Ít nhất sáu tù nhân thiệt mạng, bao gồm một người bị đâm chết".

Ông Fatah không nêu rõ lý do tử vong của sáu tù nhân trên là do bị quản giáo ngăn chặn, tù nhân khác tấn công hay giẫm đạp...Ông khẳng định các quản giáo đã dập tắt được vụ nổi loạn trên và không tù nhân nào trốn thoát.

bangladesh
Binh sĩ Bangladesh canh phòng một đồn cảnh sát bị bỏ không tại Dhaka ngày 9/8 - Ảnh: AFP

Ngày 6/8, một vụ vượt ngục khác cũng nổ ra ở nhà tù Kashimpur ở phía bắc Dhaka. Đây là nhà tù giam giữ những tội phạm nguy hiểm, khét tiếng bậc nhất Bangladesh, trong đó có những phần tử Hồi giáo cực đoan và tội phạm giết người.

Trưởng trại Luftor Rahman cho biết các tù nhân cũng sử dụng dụng cụ bằng sắt, thép thanh để tấn công quản giáo. Số này sau đó đã tràn về cổng chính nhà tù, buộc các binh sĩ và quản giáo tại đây nổ súng. Tổng cộng 6 tù nhân đã bị bắn chết.

Tuy nhiên, ông Rahman cho biết "ít nhất 203 tù nhân đã trốn thoát". Rất may, không tù nhân "máu mặt" nào trốn được.

Xa hơn nữa, ngay ngày 5/8 khi bà Hasina tuyên bố từ chức, hơn 500 tù nhân đã trốn ngục tại một nhà tù ở quận Sherpur, phía bắc Bangladesh.

Các vụ cướp ngục trên cho thấy mức độ hỗn loạn và an ninh gần như bằng 0 tại quốc gia Nam Á trên những ngày qua.

Tình hình tại Bangladesh bắt đầu vượt tầm kiểm soát từ khi đoàn người biểu tình phản đối chính sách phân bổ hạn ngạch viên chức của chính phủ bắt đầu chuyển sang bạo động chống chính quyền bà Hasina hồi tháng 7.

Trong thời gian này, hơn 800 tù nhân cũng đã phá ngục trốn thoát tại quận Narsingdi ở trung tâm đất nước. Vụ việc diễn ra sau khi hàng ngàn người kéo về tấn công cơ sở này và phóng hỏa văn phòng trưởng trại.

Bất chấp việc bà Hasina đã từ chức và ông Muhammad Yunus - người được các lãnh đạo biểu tình ủng hộ đã nhậm chức lãnh đạo chính phủ lâm thời, tình hình an ninh Bangladesh vẫn chưa ổn định.

Một phần lý do cho việc này là ngày 6/8, các công đoàn cảnh sát Bangladesh bất ngờ tuyên bố bãi công và khẳng định các nhân viên thực thi pháp luật chỉ quay lại làm việc sau khi họ được bảo đảm an toàn.