Chờ...

Bangladesh: Số ca tử vong do sốt xuất huyết vượt mốc 400

BANGLADESH - Bangladesh đang trải qua đợt bùng phát sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, với hơn 400 ca tử vong do nhiệt độ tăng cao và mùa mưa kéo dài, tin từ Reuters.

Theo số liệu chính thức mới nhất, ít nhất 407 người đã tử vong do các biến chứng liên quan đến sốt xuất huyết trong năm 2024, và 78.595 bệnh nhân đã được nhập viện trên toàn quốc.

Tính đến giữa tháng 11, đã có 4.173 bệnh nhân đang được điều trị, trong đó 1.835 người ở thủ đô Dhaka và 2.338 người ở các khu vực khác.

sot xuat huyet bangladesh (1)

Một công nhân đang phun thuốc khử trùng để diệt muỗi, khi số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên tại Dhaka, Bangladesh. - Ảnh: Reuters.

Giáo sư Kabirul Bashar, chuyên gia động vật học tại Đại học Jahangirnagar, cho biết, do tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa bất thường giống mùa mưa ngay cả trong tháng 10 đã tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi Aedes aegypti, loài muỗi chính truyền bệnh sốt xuất huyết, phát triển. Những thay đổi trong mùa này đang tạo ra điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi.

Tại Bangladesh, dịch sốt xuất huyết thường bùng phát trong mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9, năm nay đã kéo dài hơn bình thường. Nhiệt độ tăng cao và mùa mưa kéo dài đã thúc đẩy sự sinh sôi của muỗi, khiến virus lan truyền nhanh chóng.

Ông Bashar nhấn mạnh rằng, cần phải giám sát muỗi truyền bệnh quanh năm tại Bangladesh để kiểm soát và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Theo Giáo sư Tiến sĩ ABM Abdullah, một chuyên gia y tế hàng đầu, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết có thể giảm xuống dưới 1%. Chẩn đoán sớm và phòng ngừa là yếu tố then chốt để kiểm soát dịch bệnh.

Năm 2023 là năm ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay với 1.705 ca tử vong và hơn 321.000 ca nhiễm được báo cáo.

Tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng của các đợt bùng phát dịch đang đè nặng lên hệ thống y tế vốn đã quá tải của Bangladesh, khi các bệnh viện phải vật lộn để điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân, đặc biệt là ở khu vực đô thị.

Các bác sĩ cũng cảnh báo rằng, việc chậm trễ điều trị, đặc biệt ở những vùng nông thôn, nơi người dân phải di chuyển quãng đường dài để tới các cơ sở y tế chuyên khoa tại Dhaka, đang làm tăng số ca tử vong.

Các bác sĩ cho biết, bệnh thường khởi phát với các triệu chứng nhẹ nên không được chẩn đoán kịp thời, dẫn đến tình trạng bệnh nhân trở nặng trước khi được phát hiện.

Các quan chức y tế đã kêu gọi người dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt như sử dụng thuốc chống muỗi và màn chống muỗi. Trong khi đó, các chuyên gia yêu cầu thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn để loại bỏ nước tù đọng, nơi muỗi sinh sản.