Tình trạng ô nhiễm không khí ở các quốc gia trong khu vực đang trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Tại Thái Lan, để giảm thiểu ô nhiễm bụi mịn, Ủy ban quốc gia phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai đã ban hành lệnh "cấm đốt" trên toàn quốc.
Các biện pháp phòng ngừa được thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt ở những khu vực có mức độ ô nhiễm cao. Chính quyền địa phương đã được chỉ đạo thực thi lệnh này và thường xuyên báo cáo tiến độ cho ủy ban.
Bộ Y tế Thái Lan đã chuẩn bị sẵn sàng các đội y tế khẩn cấp để hỗ trợ các nhóm người có nguy cơ cao như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh hô hấp.
Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế Thái Lan đã phát 1,1 triệu khẩu trang N95 cho người dân, trong khi chính quyền đô thị Bangkok cũng đã phân phát 377.000 khẩu trang cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Để kiểm soát tình trạng giá cả leo thang trong bối cảnh nhu cầu về các thiết bị như máy lọc không khí và máy hút bụi gia tăng, Bộ Thương mại Thái Lan cũng đang đề xuất đưa các sản phẩm này vào danh sách các mặt hàng cần kiểm soát.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Malaysia cũng đang trở nên tồi tệ, đặc biệt ở phía Tây bán đảo Malaysia, nơi có 11 khu vực ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí (API) ở mức có hại cho sức khỏe.
Để ứng phó, Malaysia đã bắt đầu triển khai phương pháp "gieo mây" tạo mưa nhân tạo. Phương pháp này được thực hiện bằng cách rải các hạt nhỏ giống như băng vào đám mây nhằm kích thích mưa rơi xuống. Biện pháp này được triển khai khi chỉ số API vượt quá 150 trong hơn 24 giờ.
Các trường học và cơ sở giáo dục cũng đã phải tạm dừng các hoạt động ngoài trời khi chỉ số ô nhiễm ở mức 100.
Khi API đạt ngưỡng 200, toàn bộ trường học sẽ đóng cửa. Đây là biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ sức khỏe học sinh, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Tại Indonesia, thủ đô Jakarta đang đối mặt với ô nhiễm bụi mịn nghiêm trọng, và thành phố này hiện đang đứng đầu trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của Công ty giám sát chất lượng không khí IQAir.
Chính quyền Jakarta đã triển khai công nghệ phun sương mù từ nóc các tòa nhà cao tầng nhằm giảm thiểu ô nhiễm bụi mịn. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn đang rất nghiêm trọng và cần nhiều biện pháp hơn để giải quyết.
Các quốc gia Đông Nam Á đã và đang hợp tác chặt chẽ để ứng phó với vấn đề này.
Mới đây, Ban Thư ký ASEAN đã tổ chức một hội thảo trực tuyến để tăng cường nỗ lực phối hợp và chuẩn bị các biện pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.