Chờ...

Cập nhật dịch Covid-19: Ấn Độ hơn 4.000 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày

(VOH) - Chỉ trong 24 giờ qua, thế giới đã có thêm 775.711 ca nhiễm Covid-19 và 12.685 người tử vong vì dịch bệnh. Trong đó Ấn Độ và Brazil là các quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới.

Đến sáng ngày 9/5/2021, toàn thế giới đã có 158.302.220 ca nhiễm Covid-19 và 3.295.974 người tử vong vì dịch bệnh – theo Worldometers. Đáng chú ý, dịch bệnh đang ngày càng lan rộng và gây ra gánh nặng y tế tại nhiều quốc gia.

Châu Á: Số ca nhiễm và tử vong tăng đột biến mỗi ngày tại Ấn Độ

Các kỷ lục liên quan tới dịch bệnh liên tục bị xô đổ tại Ấn Độ khi số ca nhiễm và tử vong tăng đột biến mỗi ngày. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận mức kỷ lục gần 4.200 người tử vong và hơn 400.000 ca nhiễm mới.

Theo đó, tổng số người nhiễm tại nước này hiện đã lên tới 22.295.911 và tổng người chết là 238.270. Theo phân tích mới, Ấn Độ vẫn chưa đạt đỉnh dịch cho đến cuối tháng 5.

ấn độ, covid-19
Mặc dù số ca tử vong tại Ấn Độ liên tục vượt kỷ lục nhưng các chuyên gia cho rằng nước này vẫn chưa đạt đỉnh dịch cho đến cuối tháng 5 (Ảnh: Reuters)

Đợt bùng phát tại Ấn Độ được giới chuyên gia nhận định là "đáng sợ" không chỉ do số ca nhiễm và tử vong tăng đột biến, mà còn nguy cơ đáng kể xuất hiện các biến chủng Covid-19 mới nguy hiểm hơn. Swaminathan, người đứng đầu bộ phận khoa học của WHO, nhận định biến chủng B.1.617 là một trong những yếu tố khiến Covid-19 ở Ấn Độ "tăng thẳng đứng".

WHO gần đây liệt B.1.617, bao gồm một số chủng con mang đột biến và đặc điểm hơi khác nhau, là "biến thể cần quan tâm", song chưa đưa nó vào danh sách "biến thể đáng lo ngại". Danh sách này gồm các biến chủng vi rút nguy hiểm hơn chủng ban đầu do khả năng lây truyền và gây tử vong cao hơn, đồng thời có thể vượt qua hàng rào bảo vệ bằng vắc xin.

Theo Hindustan Times, các công ty Ấn Độ đã đặt hàng hơn 60.000 máy tạo ô xy y tế từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Trong khi đó, giới chức Ấn Độ ngày 8/5 thông báo Tổng cục Quản lý Dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp thuốc 2-deoxy-D-glucose (2-DG) cho Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của nước này để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

2-DG được phát triển bởi Viện Y học Hạt nhân và Khoa học Đồng minh (INMAS) - phòng thí nghiệm được thành lập theo sự hợp tác giữa DRDO và Dr Reddy's Laboratories (DRL), thành phố Hyderabad.

Đến nay, một nửa số bang Ấn Độ đã áp lệnh phong tỏa toàn diện, phần còn lại thực hiện lệnh phong tỏa một phần. Ảnh hưởng từ đợt bùng phát Covid-19 tại Ấn Độ lan sang các quốc gia láng giềng như Nepal và Pakistan.

Pakistan ghi nhận 854.240 ca nhiễm và 18.797 ca tử vong, tăng lần lượt 4.109 và 120. Quốc gia láng giềng của Ấn Độ đóng cửa các điểm du lịch trong 9 ngày, bắt đầu từ hôm 8/5, đồng thời huy động quân đội giám sát việc tuân thủ các hạn chế để ngăn nCoV. Quyết định này nhằm ngăn đợt bùng phát dịp lễ Eid al-Fitr vào cuối tháng Ramadan của người Hồi giáo.

Các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, chợ và công viên tại Pakistan sẽ phải đóng cửa, trong khi giao thông công cộng nội đô và giữa các tỉnh bị đình chỉ.

Các chuyến bay quốc tế từ Pakistan bị cắt giảm tần suất, các cửa khẩu biên giới với Iran và Afghanistan bị đóng, chỉ cho phép hoạt động thương mại diễn ra.

Giới chức Nepal thông báo thêm 8.287 ca nhiễm và 53 ca tử vong mới, nâng tổng ca nhiễm và tử vong lần lượt lên 385.890 và 3.632. Nepal chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh, với ước tính cứ mỗi 5 người dân có 2 người dương tính với Covid-19.

Hàng nghìn lao động nhập cư Ấn Độ đã tháo chạy tới Nepal. Một số chuyên gia dự đoán tình hình Covid-19 ở Nepal có thể tồi tệ hơn Ấn Độ. Thủ đô Kathmandu hiện đang bị phong tỏa nghiêm ngặt, trong khi thành phố biên giới Nepalgunj, nơi hàng nghìn lao động từ Ấn Độ trở về, nguy cơ đối mặt đợt tăng đột biến ca nhiễm Covid-19.

Sri Lanka đã phê duyệt vắc xin Pfizer để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhằm đối phó số ca tăng nhanh. Sri Lanka cũng là quốc gia đầu tiên tại Nam Á thông qua vắc xin Pfizer sau Sputnik V của Nga va Sinopharm (Trung Quốc).

Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 1.709.762 ca nhiễm, tăng 6.130, trong đó 46.842 người chết, tăng 179. Khoảng 18 triệu người, tương đương 7% dân số, vẫn lên kế hoạch tận hưởng kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr, bất chấp lệnh cấm đi lại của chính phủ, theo một khảo sát của hãng thông tấn nhà nước Antara.

Indonesia ban hành lệnh cấm đi lại từ ngày 6/5 tới 17/5 để ngăn chặn lây lan dịch. Theo lệnh cấm, người dân phần lớn chỉ có thể đi lại trong thị trấn hoặc thành phố mình sinh sống.

Thái Lan hôm 8/5 ghi nhận 2.419 ca Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, và thêm 19 người chết do dịch. Trong số các ca mới, 46% tập trung ở thủ đô Bangkok.

Nước này đang chuẩn bị đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin cho người dân sau thời gian bị chỉ trích vì chỉ thực hiện được 1,73 triệu mũi tiêm (chưa đến 1% dân số).

Tại Campuchia, chính quyền Phnom Penh cùng ngày thông báo phát hiện thêm 538 ca mới trong vòng 24 giờ. Trường hợp tử vong do dịch mới nhất ở nước này là một nữ công nhân 30 tuổi, mang thai tháng thứ 7.

Chính quyền Phnom Penh kết thúc ba tuần phong tỏa hôm 5/5, nhưng người dân vẫn phải tiếp tục tuân thủ quy định như thời gian phong tỏa, áp dụng theo mã màu của từng khu vực.

Người sống trong vùng đỏ phải ở lại nơi cư trú, không được ra ngoài "trừ phi có việc khẩn cấp", còn người trong vùng cam có thể di chuyển "nếu có việc cần thiết". Người dân sống trong vùng vàng được phép đi lại, đa số các ngành nghề kinh doanh được phép mở cửa lại. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm từ 20h tới 3h vẫn áp dụng với vùng vàng và vùng cam.

Philippines ghi nhận 1.094.849 ca nhiễm và 18.099 ca tử vong, tăng lần lượt 6.979 và 170 ca trong 24 giờ. Tổng thống Rodrigo Duterte yêu cầu thực thi ngay lập tức lệnh bắt người vi phạm quy định đeo khẩu trang bắt buộc, như đeo khẩu trang không đúng cách, theo thông báo của Bộ Tư pháp Philippines.

Lào báo cáo 28 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca Covid-19 của nước này lên 1.233, không có ca tử vong.

Chính phủ Lào quyết định gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày tới 20/5. Thủ tướng Phankham Viphavanh cho biết việc tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn hiện tại để ngăn chặn đợt bùng phát của dịch là điều cần thiết.

Châu Mỹ: Hàng ngàn ca tử vong mỗi ngày tại Brazil

Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số 33.427.215 ca nhiễm và 595.047 ca tử vong do nCoV, tăng 8.389 ca nhiễm và 136 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Khoảng 149,5 triệu người Mỹ, tương đương 45% dân số, đã tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa Covid-19, trong khi gần 109 triệu, khoảng 33% dân số, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

Gần 252 triệu liều vắc xin đã được tiêm ở Mỹ, chiếm 78% trong tổng số hơn 324,6 triệu được phân phối tại quốc gia này.

Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 15.087.360 ca nhiễm và 419.393 ca tử vong, tăng lần lượt 78.337 và 2.217.

Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho biết Brazil sắp ký hợp đồng thứ hai với Pfizer để mua thêm 100 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó 35 triệu liều sẽ được bàn giao vào tháng 10. Với hợp đồng mới, Brazil sẽ có 200 triệu liều vắc xin Pfizer để giảm bớt tình trạng thiếu vaccine của nước này.

Châu Âu: Pháp đứng đầu về số ca nhiễm

Tại châu Âu, Pháp ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất (hiện đã là hơn 5,7 triệu ca), trong khi Anh ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (hiện là 127.598 ca). Số ca nhiễm tại Nga, Anh và Italy đều đã hơn 4 triệu ca trong khi Tây Ban Nha và Đức đã có hơn 3,5 triệu ca nhiễm.

Trong một diễn biến khác, Chính phủ Anh đã công bố một "danh sách xanh" gồm các quốc gia và khu vực người dân nước này có thể đến du lịch mà không cần phải thực hiện cách ly khi trở về nước.

"Danh sách xanh" gồm 12 quốc gia và khu vực, trong đó có Bồ Đào Nha, Israel, Singapore, Australia và New Zealand, và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 17/5 tới. Theo những điều chỉnh mới, Thổ Nhĩ Kỳ, Maldives và Nepal bị liệt vào "danh sách đỏ," đồng nghĩa với việc những người từ các quốc gia này trở về Anh sẽ phải thực hiện cách ly tại khách sạn trong 10 ngày.

Các quốc gia trong danh sách màu xanh, màu hổ phách và màu đỏ - tương đương các cấp độ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh - sẽ được xem xét lại 3 tuần/lần, kể từ ngày 17/5 tới.

Ngày 8/5, Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết một thỏa thuận với các hãng dược BioNTech/Pfizer về việc cung cấp thêm 1,8 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19. Hiện vắc xin của BioNTech/Pfizer là một trong 4 loại vắc xin ngừa Covid-19 đã được EMA cấp phép sử dụng khẩn cấp, bao gồm cả vắc xin của các hãng Moderna, AstraZeneca và Janssen.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết EU sẵn sàng thảo luận về ý tưởng của Mỹ nhằm loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vắc xin ngừa Covid-19 ngay khi nhận được bản đề xuất cụ thể.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các quốc gia chưa nên tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em cho tới khi hoàn tất tiêm cho người cao tuổi và những người thuộc diện nguy cơ cao.

Canada tuần này trở thành nước đầu tiên cho phép tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Mỹ dự kiến sẽ làm theo vào tuần tới và Đức thông báo sẽ triển khai chương trình tương tự vào cuối tháng 8.