Trước nguy cơ ngày càng lớn từ xung đột vũ trang, khủng hoảng y tế, biến đổi khí hậu và tấn công mạng, EC đã công bố Chiến lược Liên minh Ứng phó, tài liệu dài 18 trang đặt nền móng cho một hệ thống phòng ngừa và phản ứng toàn diện trước thảm họa.
Theo đó, người dân tại các quốc gia thành viên được khuyến cáo chủ động tích trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men, đèn pin, giấy tờ tùy thân và đài thu thanh, đủ dùng trong ít nhất 72 giờ nếu xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng.
Ủy viên Quản lý Khủng hoảng Hadja Lahbib khẳng định việc kêu gọi "không nhằm tạo hoang mang, mà muốn đảm bảo người dân có đủ nguồn cung thiết yếu trong giai đoạn đầu khi khủng hoảng xảy ra”.
Phó Chủ tịch EC Roxana Minzatu - người chủ trì chiến lược - nhấn mạnh: “Hãy sửa mái nhà khi trời còn nắng”, đồng thời thừa nhận nhiều người hiện vẫn chưa biết cách phản ứng đúng khi có thảm họa.

Chiến lược liệt kê hàng loạt rủi ro mà EU đang đối mặt, từ xung đột Nga - Ukraine, đại dịch, lũ lụt, biến đổi khí hậu đến các cuộc tấn công mạng được nhà nước bảo trợ. Trong bối cảnh đó, EC kêu gọi tăng cường chuẩn bị ở ba cấp độ: hộ gia đình, cộng đồng và quốc gia.
Một số đề xuất chính trong chiến lược gồm:
- Thiết lập kho dự trữ chiến lược chứa máy bay cứu hỏa, thuốc, thiết bị vận tải, máy phát điện và vật tư đặc biệt cho thảm họa hóa học, sinh học, phóng xạ.
- Thành lập trung tâm điều phối khủng hoảng cấp EU, phụ trách giám sát và hỗ trợ khi tình huống vượt quá năng lực của một quốc gia thành viên.
- Xây dựng hệ thống cảnh báo an ninh mạng châu Âu, đồng thời mở rộng hợp tác với NATO.
- Đưa nội dung ứng phó khủng hoảng vào chương trình giáo dục, tăng cường kỹ năng phân biệt thông tin giả và đào tạo phản ứng khẩn cấp.
- Tăng cường hợp tác công - tư trong các lĩnh vực trọng yếu như an ninh mạng, giáo dục và y tế.

EC cũng đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể nhằm đảm bảo các chức năng xã hội thiết yếu luôn hoạt động ổn định.
Một danh sách 60 hành động cụ thể đã được lên kế hoạch cho 2 năm tới, bao gồm cả việc đánh giá mức độ sẵn sàng của hệ thống tài chính và tăng cường năng lực phản ứng tại cấp địa phương.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định: “Thực tế mới đòi hỏi mức độ chuẩn bị mới. Người dân, chính phủ và doanh nghiệp EU cần các công cụ phù hợp để phòng ngừa khủng hoảng và phản ứng kịp thời khi cần thiết”.