Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chạy đua tìm kiếm người sống sót sau lũ lụt lịch sử ở châu Âu

(VOH) - Các lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót sau trận lũ lịch sử tàn phá khu vực Tây Âu khiến hơn 150 người thiệt mạng.

Theo đó, hàng trăm người vẫn đang mất tích sau những trận mưa lớn kỷ lục gây lũ lụt nghiêm trọng ở các nằm ở phía Tây châu Âu, đặc biệt là Đức và Bỉ.

Mưa lớn cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến Thụy Sĩ, Luxembourg và Hàn Lan. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã ban bố tình trạng thảm họa quốc gia tại một tỉnh ở phía nam nước này.

Theo lãnh đạo các nước châu Âu, những tác động của biến đổi khí hậu là nguyên nhân của đợt mưa lũ lịch sử năm nay.

Trong khi đó, các chuyên gia môi trường cũng có cùng nhận định khi cho rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu đã khiến các trận mưa từ lớn đến cực lớn xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Thực tế, nhiệt độ trên toàn thế giới đã tăng lên khoảng 1,2 độ C kể từ khi cuộc Cách mạng Công nghiệp đầu tiên diễn ra cho đến nay.

Chạy đua tìm kiếm người sống sót sau lũ lụt lịch sử ở châu Âu
Khung cảnh tan hoang vì mưa lũ ở Ahrweiler, Đức. Ảnh: BBC

Tại Đức, số người thiệt mạng vì mưa lũ đã vượt con số 100 người. Ngày 17/7, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã có chuyến thị sát tại một vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Ông cho biết bản thân cảm thấy “choáng váng” trước mức độ tàn phá của lũ lụt.

“Toàn bộ khu vực đều bị thảm họa tàn phá. Nhiều người dân đã mất tất cả những gì họ gầy dựng cả đời mình”, ông Steinmeier phát biểu tại buổi họp báo sau chuyến làm việc.

Các đội nhóm cứu hộ ở Đức đã gặp nhiều trở ngại về thời tiết khi thực thi nhiệm vụ vào ngày 16/7, và nhiều gia đình có người mất tích thì vô cùng mong ngóng thông tin về người thân của mình.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin liên lạc, hạ tầng viễn thông, đường sá đều bị phá hủy nghiêm trọng và hơn 100.000 ngôi nhà mất điện sinh hoạt.

Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực cứu hộ, các báo cáo cho thấy vẫn có nhiều người dân không phận sự đi đến những khu vực bị phá hủy. Lực lượng cảnh sát ở Mainz đã phải yêu cầu người dân không được đến những nơi này. Một số cảnh báo tương tự cũng được đưa ra ở Hà Lan.

Chạy đua tìm kiếm người sống sót sau lũ lụt lịch sử ở châu Âu
Chạy đua tìm kiếm người sống sót sau lũ lụt lịch sử ở châu Âu

Hình ảnh trước và sau khi bị lũ lụt tàn phá ở thị trấn Erftstadt-Blessem, Đức. Ảnh: BBC

Khẩn trương phối hợp tìm kiếm người mất tích

Tại Đức, các bang gồm Bắc Rhine-Westphalia, Rhineland-Palatinate và Saarland là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt mưa lũ lần này.

Các quan chức quận Ahrweiler của bang Rhineland-Palatinate cho biết khoảng 1.300 người vẫn còn mất tích tính đến ngày 16/7, tuy nhiên cũng ghi chú rằng con số này “đang được kéo giảm tích cực qua mỗi giờ”.

Hãng tin AFP dẫn lời một cư dân tại làng Schuld thuộc quận Ahrweiler cho biết trong mưa lũ, xe hơi đã bị quét sạch trên đường phố và nhiều ngôi nhà bị phá hủy trong tình trạng mà người này cho rằng “y như thời chiến”.

Bộ trưởng Nội vụ bang Rhineland-Palatinate, ông Roger Lewentz, nhận định với truyền thông số người chết vì thảm họa lần này có thể sẽ còn tăng cao trong vài ngày tới. “Khi bạn không nghe tin tức gì về một ai đó trong thời gian dài, có lẽ bạn cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”, ông nói.

Chạy đua tìm kiếm người sống sót sau lũ lụt lịch sử ở châu Âu
Lũ lụt tàn phá ở Neuenahr-Ahrweiler, Đức ngày 16/7/2021. Ảnh: EPA

Tại Bỉ, quân đội đã được triển khai đến 4 trong tổng số 10 tỉnh trên toàn quốc để hỗ trợ công tác cứu hộ và sơ tán người dân. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo công bố ngày 20/7 tới sẽ là quốc tang tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa lần này.

Ông Alexander De Croo cho biết lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 20 người ở Bỉ, và là một trong những “sự kiện kinh hoàng nhất mà đất nước từng chứng kiến".

Ngoài ra, lực lượng cứu hộ đến từ các nước Pháp, Italy và Áo cũng đã đến thành phố Liege để hỗ trợ sơ tán người dân sau trận lũ quét.

Trong khi đó ở Hà Lan, hàng ngàn người dân tỉnh Limburg phải rời bỏ nhà cửa vì mực nước dâng cao tràn vào thành phố và làm hư hại một con đê ở địa phương.

Tuy nhiên, tại một số khu vực như thành phố Maastricht ở phía nam và các thị trấn lân cận, cư dân đã có thể trở về nhà vào ngày 16/7 vì nước đang rút dần.

Chạy đua tìm kiếm người sống sót sau lũ lụt lịch sử ở châu Âu
Sơ đồ những khu vực chịu ảnh hưởng của mưa lũ kỷ lục ở châu Âu (phần màu đỏ). Ảnh: BBC

Tại Thụy Sĩ, hệ thống sông hồ cũng đầy tràn nước sau trận mưa lớn kéo dài. Đáng chú ý, nước từ con sông chảy xuyên qua thủ đô Bern cũng đã tràn bờ vào hôm qua 16/7. Thành phố Basel - đô thị lớn thứ ba Thụy Sĩ cũng chịu cảnh ngập lụt và người dân được yêu cầu tránh xa khu vực sông Rhine - một trong những con sông lớn và quan trọng nhất châu Âu.   

Bình luận