Các đại sứ quán được yêu cầu xem xét giảm 10% nhân viên, bao gồm cả nhân viên Mỹ và nhân viên địa phương với danh sách cụ thể sẽ được gửi về Bộ Ngoại giao vào ngày 14/2 để tiến hành các bước tiếp theo.
Thông tin này cho thấy rằng việc cắt giảm sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các nhà ngoại giao mà còn tới đội ngũ nhân viên địa phương làm việc tại các đại sứ quán.
Theo Bảo tàng Ngoại giao Quốc gia Mỹ, phần lớn nhân viên ngoại giao tại các đại sứ quán Mỹ đến từ nước chủ quản.

Một quan chức Mỹ tiết lộ rằng khoảng 60 nhân viên hợp đồng tại Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động thuộc Bộ Ngoại giao bị chấm dứt hợp đồng trong vài tuần gần đây và có khả năng sẽ có thêm đợt cắt giảm tại các cục khác trong thời gian tới.
Phản ứng về thông tin này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết không bình luận về các vấn đề nhân sự nội bộ, nhưng khẳng định họ tiếp tục đánh giá việc bố trí nhân sự toàn cầu để đảm bảo Mỹ có thể giải quyết hiệu quả các thách thức toàn cầu thay mặt người dân Mỹ.
Đây là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu ngành ngoại giao của Tổng thống Trump, với sắc lệnh hành pháp ngày 12/2 yêu cầu Ngoại trưởng Marco Rubio thực hiện các cải cách nhằm đảm bảo "thực thi trung thành và hiệu quả" chương trình nghị sự đối ngoại của chính quyền Trump.