Đăng nhập

Chính sách ngoại giao của Iraq đang chuyển mình tích cực

00:00
04:15
04:15
VOH - Iraq đang trải qua sự chuyển đổi lớn trong chính sách đối ngoại, tập trung vào chủ quyền quốc gia, hội nhập kinh tế và cân bằng quan hệ.

Chính quyền của Thủ tướng Mohammad Shia Al-Sudani muốn định hình lại vai trò của Iraq trong khu vực, như một bên trung gian năng động, tự lực và kinh tế đổi mới.

c_Prime_Minisiter_Al_Sudani_cvXem toàn màn hình
Ngoại giao của Iraq có nhiều điểm sáng dưới thời Thủ tướng Al-Sudani - Ảnh: Iraq Embassy USA

Theo chuyên gia Farhad Alaaldin viết trên tờ Aawsat, tầm nhìn của Iraq có phần giống với “American First” dưới thời cựu Tổng thống Trump.

Thủ tướng Al-Sudani đã nói về chủ đề này, qua 1 bài báo tháng 4/2024 trên Foreign Affairs.

Ông viết: “Ưu tiên của chúng tôi là xây dựng lại Iraq dựa trên lợi ích quốc gia, thay vì trở thành chiến trường cho những căng thẳng trong khu vực.”

Chính sách “Iraq First” này, được mô tả là thể hiện tham vọng giảm phụ thuộc vào bên ngoài, hướng đến tăng trưởng - ổn định trong nước.

Về ngoại giao, trọng tâm là làm mới quan hệ với láng giềng.

Iraq muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế thay vì xung đột. Các đối tác ưu tiên bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Ả Rập Xê Út.

Thủ tướng Al-Sudani nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn xây dựng Iraq có thể tự đứng vững, thúc đẩy hợp tác kinh tế với láng giềng và tiếp nhận đầu tư mang lại lợi ích cho người dân.”

Đây được cho là thay đổi đáng kể so với quá khứ, khi Iraq thường xuyên là chiến trường của nhiều cuộc đối đầu địa chính trị.

Vấn đề chủ quyền, Iraq muốn chấm dứt phái bộ hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại nước này vào năm 2025. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với liên minh chống lại nhà nước Hồi giáo (IS), song song với chuyển đổi từ hỗ trợ quân sự, sang hợp tác song phương với các thành viên của liên minh, để thúc đẩy phát triển bền vững.

Hai năm qua, Chính phủ Iraq đã khởi xướng nhiều dự án cơ sở hạ tầng nổi bật, để tăng tốc phục hồi kinh tế. Tiêu biểu là dự án “Development Road”, nhằm định vị Iraq là nơi trung chuyển quan trọng giữa châu Âu với châu Á.

Thủ tướng Al-Sudani mô tả sáng kiến ​​này, là cây cầu nối Iraq với thế giới. Dự án được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và hậu cần, sẽ thực hiện cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, UAE và một số quốc gia vùng Vịnh khác.

Iraq cũng dành 3 tỷ USD xây dựng đường ống dẫn dầu mới, nối Basra với Haditha.

Dự án này đóng vai trò trung tâm xuất khẩu dầu ở phía Bắc, cho phép Iraq đa dạng hóa các tuyến xuất khẩu và giảm phụ thuộc vào tuyến đường biển ở vùng Vịnh.

​​Sáng kiến ​​trên cũng nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với các láng giềng, như Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Jordan, đồng thời củng cố ảnh hưởng của Iraq trên thị trường dầu mỏ khu vực lẫn toàn cầu.

Một diễn biến quan trọng, là sự hội nhập ngày càng tăng của Iraq vào mạng lưới năng lượng Trung Đông.

Thiết lập kết nối lưới điện với Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Ả Rập Xê Út và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Iraq đang tìm cách ổn định nguồn cung năng lượng trong nước, đồng thời tăng cường vai trò trong hợp tác khu vực. Tầm nhìn này phù hợp với mục tiêu, là thúc đẩy một Trung Đông kết nối phát triển, dựa trên sự phụ thuộc và hợp tác lẫn nhau.

Ngoài các sáng kiến ​​kinh tế, Iraq đang áp dụng lập trường ngoại giao cân bằng liên quan đến các cuộc xung đột.

Điều này đặc biệt rõ ràng trong lập trường của Iraq về cuộc chiến Hamas - Israel.

Thủ tướng Al-Sudani ủng hộ quyền tự quyết của người Palestine, thông qua giải pháp chính trị và ngoại giao.

Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Cairo tháng 10/2023, ông nhấn mạnh lập trường của Iraq, là chống lại các lực lượng chiếm đóng. Ông khẳng định sự ủng hộ lâu dài với người dân Palestine, thông qua viện trợ và ngoại giao, cũng như kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, để viện trợ nhân đạo vào Gaza.

Đồng thời, với vị thế địa chính trị độc đáo, Iraq duy trì quan hệ chặt chẽ với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh và  cả phương Tây. Điều này giúp Iraq đóng vai trò trung gian trong một số tranh chấp.

Tận dụng những mối quan hệ trên, Iraq đã nỗ lực xoa dịu một số cuộc khủng hoảng tiềm tàng trước khi chúng leo thang.

Thủ tướng Al-Sudani từng nhấn mạnh: “Iraq là bên trung gian, không phải bên tham gia các cuộc xung đột không phục vụ lợi ích quốc gia.”

Cách tiếp cận này phản ánh tham vọng lớn của Iraq, là giành lại quyền kiểm soát chính sách đối ngoại, thoát khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài.

Tầm nhìn của Iraq ngày nay, thể hiện sự tương phản rõ rệt với quá khứ, khi thường xuyên bị mắc kẹt trong chiến tranh.

Suốt nhiều thập kỷ, chủ quyền của Iraq bị tàn phá bởi chia rẽ giáo phái và can thiệp từ nước ngoài, do đó hạn chế sự chủ động trên trường quốc tế. Chính sách “Iraq First” có thể báo hiệu sự thay đổi hướng tới tương lai, nơi vận mệnh của Iraq được định hình bởi chính người dân Iraq.

Bình luận