Chờ...

Chuyển đạn chùm cho Ukraine, Mỹ vấp phải sự phản đối

VOH - Ít nhất 38 tổ chức nhân quyền công khai phản đối việc chuyển giao đạn chùm cho Ukraine sau quyết định viện trợ mới của Mỹ ngày 7/7.

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả quyết định chuyển giao bom chùm là khó khăn nhưng cho biết Ukraine cần chúng.

Ngày 7/7, Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự thứ 42 cho Ukraine với "các tổ hợp pháo và đạn dược, trong đó có Đạn Thông thường Cải tiến Đa dụng (DPICM) hiệu quả cao và đáng tin cậy". Cơ quan này cho biết "đã tham vấn rộng rãi với quốc hội Mỹ cùng các đồng minh và đối tác" về quyết định cung cấp DPICM.

"Những thứ này đã hiện diện khắp Ukraine và cần phải được dọn sạch. Đó không phải cái cớ đủ thuyết phục để Mỹ gửi thêm", Sarah Yager, giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) trụ sở tại Washington nhấn mạnh.

Chuyển đạn chùm cho Ukraine, Mỹ vấp phải sự phản đối 1
Hình ảnh một quả bom chùm được phát hiện tại Ukraine - Ảnh: CNN

18 thành viên trong NATO đã cấm bom, đạn chùm và nhiều khả năng không ủng hộ quyết định của Mỹ. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 7/7 nói rằng Berlin ủng hộ Công ước về Bom, Đạn chùm, trong đó cấm sử dụng loại vũ khí này.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từ chối bình luận về quyết định của Mỹ, nhưng cho biết các quốc gia thành viên được tự do đưa ra lựa chọn của riêng họ về vũ khí.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phản đối động thái này. "Tổng thư ký LHQ không muốn bom chùm, đạn chùm tiếp tục được dùng trên chiến trường", phát ngôn viên của ông Guterres cho biết.

Phản ứng về động thái trên, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov chỉ trích việc Mỹ chuyển số vũ khí này cho Ukraine.

Theo đài RT, Đại sứ Nga cho rằng quyết định của Mỹ đưa bom chùm vào đợt viện trợ quân sự mới nhất cho Kiev là thừa nhận sự thất bại và là một nỗ lực tuyệt vọng để ngăn chặn thất bại.

DPICM là đạn pháo hoặc đầu đạn tên lửa được thiết kế nhằm phát tán bom con, đạn con để phát nổ trên khu vực rộng lớn, phá hủy xe tăng, thiết giáp và gây thương vong với lính bộ binh. Những quả đạn con có thể không phát nổ khi tiếp đất và tạo rủi ro lâu dài cho bất cứ ai chạm phải, tương tự mìn.

Nga, Ukraine và Mỹ chưa ký Công ước về bom, đạn chùm, bao gồm việc cấm sản xuất, tàng trữ, sử dụng và vận chuyển loại vũ khí này.