Chờ...

Con trai trùm khủng bố Osama bin Laden bị trục xuất khỏi Pháp

PHÁP - Tin từ Hãng tin Reuters ngày 8/10, Omar Binladin, con trai của trùm khủng bố Osama bin Laden, đã bị trục xuất khỏi Pháp và bị cấm quay lại nước này.

Quyết định trục xuất được đưa ra liên quan đến những bình luận được cho là tôn vinh chủ nghĩa khủng bố mà Omar đăng tải trên mạng xã hội.

Omar bin Laden, 43 tuổi, sinh ra tại Saudi Arabia. Ông rời xa cha mình ở tuổi 19, từng sống ở Sudan, Afghanistan và cuối cùng định cư tại vùng Normandy, miền Bắc nước Pháp vào năm 2016 và làm nghề vẽ tranh.

Bộ trưởng Retailleau cho biết Omar bin Laden đã sống tại tỉnh Orne ở Normandy với vợ là một công dân Anh.

Omar bin Laden, con trai của thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda đã bị tiêu diệt Osama bin Laden Middle East Eyes
Omar bin Laden, con trai của thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda đã bị tiêu diệt Osama bin Laden - Ảnh: Middle East Eyes

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Retailleau xác nhận rằng Omar Binladin đã sống tại vùng Normandy của Pháp trong nhiều năm, nơi ông thường xuyên vẽ tranh phong cảnh.

Tuy nhiên, vào năm 2023, ông đã gây sự chú ý với chính quyền khi đăng nhiều bình luận ca ngợi chủ nghĩa khủng bố trên mạng xã hội, đặc biệt là một bài viết nhân dịp sinh nhật của cha mình.

Bộ trưởng Retailleau cho biết: "Ông Binladin, người đã sống tại Orne, hiện đã bị cấm nhập cảnh vào Pháp. Lệnh cấm này sẽ đảm bảo rằng ông không thể quay trở lại nước này vì bất kỳ lý do gì".

Thông tin chi tiết về thời điểm và địa điểm mà Omar Binladin bị trục xuất vẫn chưa được công bố.

Theo báo địa phương Le Publicateur Libre, chính quyền Pháp đã theo dõi các hoạt động trực tuyến của ông sau khi nhận thấy những bình luận gây tranh cãi.

Osama bin Laden, cha của Omar, là người sáng lập tổ chức Al-Qaeda và đã bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt vào năm 2011, kết thúc một cuộc săn lùng kéo dài nhiều năm.

Các hoạt động của Omar Binladin hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận, trong bối cảnh tình hình an ninh tại châu Âu ngày càng trở nên căng thẳng.

Hãng tin Reuters cho biết họ không thể tìm thấy bài đăng gây tranh cãi của Omar Binladin trên mạng xã hội.