Chờ...

Dịch Covid-19: Thế giới hơn 21 triệu ca nhiễm, WHO kêu gọi kiểm soát lây nhiễm cộng đồng

(VOH) - Tính đến 15h ngày 14/8, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là hơn 21.082.000 trường hợp (với hơn 757.000 trường hợp tử vong), WHO kêu gọi các nước kiểm soát lây nhiễm cộng đồng.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 21.050.368 ca nhiễm và 752.330 ca tử vong do nCoV, trong khi 13.893.539 người đã bình phục, theo thống kê của trang Worldometers.

Dịch Covid-19: Thế giới hơn 21 triệu ca nhiễm, WHO kêu gọi kiểm soát lây nhiễm cộng đồng

Người dân lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh Tây Java, Indonesia, hôm 14/8. Ảnh: AFP.

Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 13/8 khẳng định ngăn chặn các ổ dịch lây lan trong cộng đồng là chìa khóa để đối phó Covid-19.

"Một phần rất nhỏ dân số thế giới đã nhiễm nCoV và nó sẽ gây rất nhiều thiệt hại nếu không được kiểm soát", ông nói.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.409.887 ca nhiễm và 170.225 người chết, tăng lần lượt 55.049 và 1.269 ca so với một ngày trước đó. Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ Francis Collins nhận định vaccine do nước này phát triển khó có thể được cấp phép trước tháng 11.

Ngày 13/8, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden và đối tác tranh cử của ông là Thượng nghị sỹ Kamala Harris đã lên tiếng kêu gọi thống đốc các bang trên toàn quốc thực hiện lệnh bắt buộc đeo khẩu trang, khi cho rằng điều này sẽ giúp cứu hàng ngàn người dân Mỹ khỏi dịch Covid-19. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ đề xuất kêu gọi đeo khẩu trang bắt buộc, đồng thời nói rằng ông tin tưởng thống đốc của các bang sẽ đưa ra các quyết định dựa trên khoa học trong đại dịch Covid-19 phù hợp với tình trạng ở từng nơi.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 105.463 sau khi ghi nhận thêm 1.201 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 54.402 trong 24 giờ qua, lên 3.224.876. Cuối tuần qua, nước này đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới ghi nhận hơn 100.000 người chết.

Nhằm ngăn nCoV lây lan, Thị trưởng Rio de Janeiro Marcelo Crivella tuyên bố những người tới bãi biển phải giãn cách xã hội và đặt chỗ trước trên bãi cát thông qua ứng dụng, dù biện pháp này được cho là sẽ gặp khó khăn khi thực hiện.

Mexico, nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh và cũng là vùng dịch lớn thứ hai khu vực, báo cáo 498.380 ca nhiễm và 54.666 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 5.858 và 737 trường hợp.

Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell bày tỏ lạc quan rằng khả năng kiểm soát đại dịch đã tốt hơn, bất chấp những con số vẫn gia tăng, . "Đại dịch vẫn tồn tại, nhưng nó bắt đầu chậm lại hồi tháng 7", ông nói. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chính phủ Mexico mắc nhiều sai lầm khi xử lý khủng hoảng.

Chile ghi nhận 380.034 ca nhiễm và 10.299 ca tử vong, tăng lần lượt 1.866 và 94 trường hợp so với hôm trước. Chính quyền bắt đầu tái mở cửa thủ đô Santiago bằng cách gỡ phong tỏa ở các khu vực ngoại ô phía đông và phía nam cách đây hai tuần, nhưng vẫn tỏ ra thận trọng với khu vực trung tâm đông dân, nơi đã bị phong tỏa 144 ngày.

Chile dự kiến gỡ phong tỏa trung tâm thủ đô từ ngày 17/8. Thị trưởng Santiago Felipe Alessandri khuyến cáo người dân vẫn nên ở nhà bất cứ khi nào có thể, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thường xuyên rửa tay. Người dân có thể rời khỏi nhà vào các ngày trong tuần mà không cần sự cho phép của cảnh sát như trước đây. Họ có thể tụ tập nhóm nhỏ, trong khi các doanh nghiệp có thể dần mở cửa trở lại.

Chính phủ Anh sẽ thêm Pháp, Hà Lan và Malta vào danh sách các quốc gia mà hành khách phải cách ly trong 14 ngày sau khi đến Anh.

Tại Pháp, Hà Lan và Malta, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong những ngày gần đây liên tục tăng. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng ở Pháp. Được biết, Pháp là điểm đến nghỉ mát phổ biến thứ hai đối với khách du lịch Anh sau Tây Ban Nha.

Ngày 13/8, Pháp đã ghi nhận thêm hơn 2.500 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ tháng 5 sau khi các biện pháp ngăn chặn được dỡ bỏ tại nước này. Từ ngày 3 - 9/8, giới chức Pháp đã báo cáo tỷ lệ nhiễm bệnh 15 trường hợp trên 100.000 người mỗi tuần, trong khi đó tỷ lệ này tại Hà Lan và Malta lần lượt là 19 và 35.

Israel vừa phát triển một phương pháp xét nghiệm Covid-19 mới cho kết quả chưa đến một giây. Trung tâm Y tế Sheba tại Tel Aviv cho biết, trong thử nghiệm lâm sàng ban đầu, một thiết bị dựa trên trí thông minh nhân tạo có thể xác định và phân loại bằng chứng virus SARS CoV-2 trong cơ thể với tỉ lệ chính xác lên đến 95%. Ông Eli Schwartz, bác sỹ tại Trung tâm Y tế Sheba cho biết cho đến nay, phương phát xét nghiệm Covid-19 mới này cho kết quả rất đáng tin cậy. Phương pháp xét nghiệm mới này cũng thuận tiện, rẻ hơn nhiều so với các phương pháp hiện tại. Điều này giúp ích cho chính phủ đối phó với dịch bệnh.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 147.526 ca nhiễm và 2.426 ca tử vong, tăng lần lượt 4.002 và 22 ca trong 93 giờ qua. Thủ đô Manila và các vùng lân cận như Laguna, Cavite, Rizal và Bulacan tái áp đặt lệnh phong toả nghiêm ngặt trong vòng hai tuần từ 4/8 đến 18/8 do số ca nhiễm mới tăng nhanh chóng sau khi hạn chế được nới lỏng hồi tháng 6.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 132.816 ca nhiễm, tăng 2.098 trường hợp so với hôm trước, trong đó 5.968 người chết, tăng 65 ca.

Các văn phòng ở Jakarta bắt đầu mở cửa trở lại vào tuần đầu tháng 6, với lịch làm việc được sắp xếp so le, đồng thời người dân được khuyến cáo tránh tập trung đông trong giờ ăn và trong thang máy. Các trung tâm mua sắm cũng được mở cửa trở lại từ giữa tháng 6. Bali, một trong những trung tâm du lịch của Indonesia, đang lên kế hoạch đón du khách nước ngoài, có thể từ ngày 11/9.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 55.497 người nhiễm, tăng 102 ca so với 24 giờ trước, trong khi số người chết vẫn là 27. Nước này tuần trước hoàn thành xét nghiệm lao động nhập cư sống trong ký túc xá và đang nới lỏng các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cho biết, hiện vẫn chưa có bằng chứng về việc virus SARS-CoV-2 lây qua thực phẩm, vì vậy mọi người không nên hoang mang lo sợ. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Geneva, ông Mike Ryan - Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO - cho rằng, mọi người không nên lo ngại về việc đóng gói thực phẩm, thực phẩm đã được chế biến hoặc vận chuyển thực phẩm... vì chưa có bằng chứng cho thấy thực phẩm hoặc chuỗi thực phẩm đang tham gia vào việc lây truyền virus SARS-CoV-2. Trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, Maria Van Kerkhove, nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đã thử nghiệm vài trăm ngàn mẫu bao bì và cho đến nay đã phát hiện được "rất ít, chưa đến 10 mẫu dương tính".

N.T (tổng hợp)