Chờ...

Động lực nào khiến Malaysia và Thái Lan muốn gia nhập BRICS?

VOH - Hai quốc gia Đông Nam Á là Malaysia và Thái Lan, gần đây đã tiết lộ kế hoạch gia nhập nhóm các quốc gia mới nổi BRICS.

Động thái diễn ra, trong bối cảnh thế giới ngày càng chứng kiến sự bất ổn địa chính trị, cũng như cuộc cạnh tranh bá chủ toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

c_BRICS
BRICS ngày càng quy tụ nhiều quốc gia đang phát triển - Ảnh: Business Forward AUC

BRICS là tên viết tắt của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, được thành lập năm 2009. Đến năm 2010 kết nạp thêm Nam Phi. Nhóm được thành lập để thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị, giáo dục và văn hóa giữa các thành viên.

So với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), BRICS không có điều lệ chính thức hoặc ban thư ký. Điều này mang lại sự linh hoạt và phản ứng nhanh trước các thách thức toàn cầu.

Theo bà Alicia Garcia-Herrero, nghiên cứu viên cao cấp tại tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels, Trung Quốc là đối tác lớn nhất trong khối. Sự tăng trưởng thương mại nhiều năm qua xoay quanh Trung Quốc. Tuy nhiên gần đây, sự chú ý tập trung hơn vào Ấn Độ, khi GDP liên tục đạt con số ấn tượng trên dưới 7%.

5 quốc gia ban đầu của BRICS có GDP khoảng 25,8 ngàn tỷ USD, chiếm 1 phần tư thế giới. Các nước G7 chiếm khoảng 45%. Do đó có ý kiến cho rằng, gia nhập BRICS sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia mới nổi ngang hàng, đặc biệt về thương mại và đầu tư.

Gia nhập BRICS có thể giúp Thái Lan và Malaysia củng cố quan điểm về chủ nghĩa đa phương, tránh bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở Đông Nam Á.

Một chuyên gia từ Thái Lan cho biết, gia nhập BRICS sẽ nâng cao vai trò của xứ chùa vàng, như một trong những lãnh đạo của các quốc gia mới nổi.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Thái Lan từng nói, gia nhập BRICS giúp họ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của các nước thuộc thế giới thứ 3, nhằm thúc đẩy công lý và bình đẳng. Gia nhập BRICS không có nghĩa là họ đứng về phe nào trong cạnh tranh toàn cầu.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết, nước này vẫn đang đánh giá lợi ích nếu gia nhập BRICS. Phát biểu đưa ra sau khi Tổng thống Joko Widodo tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi vào tháng 8/2023. Ở đó, ông kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước đang phát triển, để chống lại sự phân biệt đối xử trong thương mại.

Sau đó, tổng thống Jokowi nói với các phóng viên rằng, mặc dù Indonesia có quan hệ kinh tế tốt với năm thành viên của nhóm, nhưng sẽ không vội vàng gia nhập.

Các nhà quan sát mô tả sự chần chừ của Indonesia, là muốn tránh bị coi quá gần gũi với Trung Quốc, vốn là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đối tác thương mại lớn nhất của xứ vạn đảo những năm gần đây. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước ASEAN trong thập kỷ qua. Dẫu vậy, Indonesia và Trung Quốc có tranh chấp trên biển Đông, gần quần đảo Natuna.

Hiện nay, Indonesia muốn gia nhập Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế OECD. Câu lạc bộ các quốc gia giàu có này, đã thảo luận gia nhập với Indonesia vào tháng 2/2024. Nếu hoàn thiện, Indonesia sẽ là thành viên OECD đầu tiên từ Đông Nam Á.

Ông Rahul Mishra, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Đại học Jawaharlal Nehru cho biết, động thái của Malaysia và Thái Lan sẽ thúc đẩy Indonesia khôi phục kế hoạch gia nhập BRICS.

Theo một số chuyên gia, sự thay đổi trên có thể ảnh hưởng tới sự thống nhất trong chính sách và tính trung lập của cộng đồng ASEAN. Đông Nam Á cần phải thích ứng khi các thành viên chịu ảnh hưởng từ nhiều liên kết bên ngoài.

Tháng 1/2024, BRICS đã kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).