Nguyên nhân là do nguồn thu nhập ngoại tệ từ xuất khẩu hạn chế và giá dầu giảm.
Tính đến chiều 13/6, 1 USD đổi được 83,60 ruble, tức là đồng ruble đã mất giá 1,2% và ở mức yếu nhất kể từ đầu tháng 4/2022.
Đồng ruble cũng mất giá 1,5% so với euro, vượt ngưỡng 90 ruble/1 euro lần đầu tiên trong vòng gần 7 tuần qua.
So với đồng nhân dân tệ, đồng ruble cũng mất giá 0,9%, hiện 1NDT đổi được 11,67 ruble.
Chuyên gia Alexei Antonov tại sàn môi giới Alor Broker dự báo đồng ruble có thể trượt giá đến mức 90 ruble đổi 1 USD. Tuy nhiên, ông nhận định "có một tia hy vọng là các nhà xuất khẩu sẽ tận dụng tỷ giá hối đoái có lợi cho họ này để tăng doanh thu bằng ngoại tệ".
Giá dầu Brent, một chỉ số chuẩn toàn cầu đối với xuất khẩu chính của Nga, tăng 1,8% lên mức 72,42 USD/thùng, nhưng thấp hơn nhiều so với mức 78 USD/thùng trong vài phiên giao dịch trước đó.
Giá đồng ruble cho thấy thị trường phản ứng hạn chế với quyết định giữ nguyên lãi suất của ngân hàng trung ương Nga ở mức 7,5% ngày 8/6. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Nga cũng tỏ dấu hiệu nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong năm nay.