Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đức phản đối việc bỏ bản quyền vắcxin Covid-19, cổ phiếu công ty sản xuất vắcxin đảo chiều

(VOH) - Chính phủ Đức ngày 6/5 ra tuyên bố phản đối đề xuất của Mỹ về việc dỡ bỏ rào cản bảo vệ bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19.

Hãng tin Bloomberg cho hay, người phát ngôn của chính phủ Đức ngày 6/5 nói rằng kế hoạch "dỡ bỏ" bản quyền vắc-xin Covid-19 của Mỹ sẽ mang đến "những rắc rối nghiêm trọng" đối với việc sản xuất vắc-xin.

Người phát ngôn này cũng cho biết, những người trong ngành tin rằng nếu không có được lợi nhuận sau những khoản đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin, các hãng dược phẩm có thể sẽ không chủ động sản xuất vắc-xin trong tương lai.

Tuyên bố của chính phủ Đức nhấn mạnh rằng yếu tố khiến việc sản xuất vắc-xin bị hạn chế chính là khả năng sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng cao chứ không phải bằng sáng chế. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là nguồn gốc của sự đổi mới và điều này phải được duy trì trong tương lai.

Đức phản đối việc bỏ bản quyền vắcxin Covid-19 khiến cổ phiếu các công ty sản xuất vắcxin đảo chiều 1
Các nhà hoạt động dân sự Mỹ kêu gọi chính phủ bãi bỏ các hạn chế và chia sẻ vắc-xin Covid-19 với các nước. (Ảnh: AFP)

Sau khi Đức đưa ra quan điểm của mình về vấn đề trên, giá cổ phiếu của các công ty sản xuất vắc-xin vốn bị giảm mạnh trước đó đã lập tức đảo chiều. Cụ thể, mức giảm của cổ phiếu công ty Moderna (Mỹ) đã thu hẹp từ 12% xuống 2,1%; mức giảm của cổ phiếu công ty CureVac (Đức) cũng thu hẹp từ 13% xuống còn 5,4%. Tương tự, mức giảm của cổ phiếu công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) - đối tác của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer trong việc sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 - cũng thu hẹp từ 15% trước đó xuống còn 3,5%.

Sắp tới đây, Mỹ, Đức và một số nước khác sẽ thảo luận về vấn đề "từ bỏ bằng sáng chế" tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 5/5 cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu, các nước rất cần có vắc-xin để cứu sống bệnh nhân, và chính phủ Mỹ ủng hộ việc dỡ bỏ rào cản bảo vệ bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19.

Bà Tai nói: "Đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và những tình huống đặc biệt như đại dịch Covid-19 đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp đặc biệt. Chính phủ Mỹ tin tưởng chắc chắn vào việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, để chấm dứt bệnh dịch, (chúng tôi) ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ (bằng sáng chế) đối với vắc-xin ngừa Covid-19".

Sau khi có thông tin về việc có thể được miễn bản quyền sáng chế vắc-xin Covid-19, giá cổ phiếu của các công ty sản xuất vắc-xin lớn như Moderna, Pfizer, BioNTech... đã giảm mạnh.

Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) dự đoán rằng cuộc tranh luận sắp tới tại WTO về việc dỡ bỏ rào cản về bằng sáng chế vắc-xin Covid-19 có thể sẽ mất nhiều thời gian và có khả năng chỉ một số bằng sáng chế sẽ được miễn, bởi các nước EU và Mỹ gần như không thể đồng ý nhượng quyền sở hữu trí tuệ của "công nghệ mRNA" cho Trung Quốc, và hầu hết các nước nghèo trên thế giới cũng không có đủ năng lực và chuyên môn để sản xuất vắc-xin.

Các quan chức nói rằng biện pháp trực tiếp hơn cho vấn đề này là Mỹ, Anh và một số nước khác làm theo cách của EU, đó là xuất khẩu nhiều vắc-xin hơn cho những người có nhu cầu.

Bình luận