Thỏa thuận làm rõ các trách nhiệm của Ủy ban châu Âu (EC) và các quốc gia thành viên EU trong việc xác định các công ty sử dụng lao động cưỡng bức và cấm sản phẩm của những doanh nghiệp này.
Lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với hàng hóa sản xuất bên ngoài EU do lao động cưỡng bức làm ra, các sản phẩm được sản xuất bên trong EU có linh kiện do lao động cưỡng bức làm ra ở bên ngoài khối.
Bộ trưởng Kinh tế và Lao động Bỉ, ông Pierre-Yves cho biết, mục đích của thỏa thuận là chấm dứt mô hình kinh doanh này.
Ông nhấn mạnh: "Với quy định này, chúng tôi muốn đảm bảo không có chỗ cho sản phẩm của họ trên thị trường chung, bất kể là được sản xuất tại châu Âu hay ở bên ngoài". Bỉ hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU.
Thỏa thuận tạm thời này vẫn cần được EP và Hội đồng EU chính thức thông qua để có hiệu lực.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đưa ra những dấu hiệu nhận biết tình trạng lao động cưỡng bức, cụ thể là: lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động; Lừa gạt; Hạn chế đi lại; Bị cô lập; Bạo lực thân thể và tình dục; Dọa nạt, đe dọa; Giữ giấy tờ tùy thân; Giữ tiền lương; Lệ thuộc vì nợ; Điều kiện sống và làm việc bị lạm dụng; Làm thêm giờ quá quy định.
Những dấu hiệu này cho biết những tín hiệu hoặc “bằng chứng” phổ biến nhất về một vụ việc lao động cưỡng bức cụ thể nào đó.
Theo số liệu ước tính của ILO năm 2020, có tới 24,9 triệu nạn nhân của lao động cưỡng bức trên thế giới. Trong số đó, 16 triệu người bị bóc lột trong khu vực tư nhân như lao động giúp việc gia đình, ngành xây dựng và nông nghiệp; 4,8 triệu người bị bóc lột lao động tình dục và 4 triệu người bị cưỡng bức lao động do các cơ quan nhà nước áp đặt.
Trong khu vực tư nhân, lao động cưỡng bức tạo ra mức lợi nhuận phi pháp lên tới 150 triệu USD/năm.