EU cảnh báo: Đàm phán hòa bình Ukraine hay đánh đổi lãnh thổ?

VOH - Lãnh đạo châu Âu cảnh báo các cuộc đàm phán quan trọng có thể quyết định tương lai của Đông Âu phải bao gồm cả Ukraine và ông Trump không "thỏa thuận bẩn" với Nga.

Cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng với những phát biểu từ chính quyền Mỹ về việc Ukraine có thể phải chấp nhận từ bỏ một phần lãnh thổ và hủy bỏ tham vọng gia nhập NATO, gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ châu Âu.

Những quan ngại chính được các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra là liệu Washington có thể sẽ đơn phương ký kết thỏa thuận với Moscow mà không tham khảo ý kiến của các đối tác châu Âu.

Ngay sau cuộc điện đàm, bà Kaja Kallas, người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu cảnh báo rằng bất kỳ giải pháp nhanh chóng nào có thể sẽ là một "thỏa thuận bẩn" và gây hại cho an ninh của khu vực.

“Tại sao chúng ta lại trao cho Nga tất cả những gì họ muốn trước khi các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu?”, bà Kallas phát biểu.

ukraine-My
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) gặp ông Donald Trump tại New York, Mỹ ngày 27/9/2024 - Ảnh: AFP

Quan điểm này được nhiều quan chức châu Âu đồng tình, trong đó có Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người lên tiếng bác bỏ một "hòa bình áp đặt" và gọi việc Mỹ nhượng bộ Nga là một động thái sai lầm.

Ông Antonio Costa, lãnh đạo Hội đồng châu Âu, khẳng định hòa bình không thể đơn thuần chỉ là một lệnh ngừng bắn mà phải đảm bảo rằng Nga không còn là mối đe dọa đối với Ukraine và an ninh quốc tế.

Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng nhấn mạnh rằng Ukraine phải là trung tâm của mọi cuộc đàm phán hòa bình. Lập trường này được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ủng hộ mạnh mẽ, khi ông khẳng định rằng không có thỏa thuận nào sẽ được chấp nhận nếu không có sự tham gia trực tiếp của Ukraine.

Phản ứng từ Mỹ lại có phần khác biệt. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ca ngợi Tổng thống Trump là "nhà đàm phán tuyệt nhất hành tinh", cho rằng ông có thể mang lại hòa bình cho Ukraine mà không cần sự can thiệp của châu Âu.

Theo ông, mọi sự hiểu lầm về một “sự phản bội” đều không có cơ sở, và hòa bình cần phải có sự nhượng bộ từ cả hai phía.

Mặc dù vậy, Điện Kremlin lại khẳng định rằng Ukraine sẽ tham gia đàm phán hòa bình, dù với một lộ trình riêng biệt giữa Mỹ và Nga.

Phát ngôn viên của Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin là sáng kiến từ Mỹ và không loại trừ khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục các cuộc trao đổi trước khi gặp mặt trực tiếp.

Một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo có thể sẽ diễn ra tại Saudi Arabia, theo thông tin từ Điện Kremlin.

Theo ông Peskov, việc chuẩn bị cho cuộc gặp có thể mất tới vài tháng, nhưng cả hai bên đều đồng ý rằng thủ đô Riyadh của Saudi Arabia là một địa điểm phù hợp.

Tờ Wall Street Journal đưa tin Trung Quốc cũng đã đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin trên lãnh thổ của mình, cho thấy vai trò ngày càng lớn của Bắc Kinh trong việc tạo dựng các thỏa thuận quốc tế liên quan đến Ukraine.

Bình luận