Tiêu điểm: Nhân Humanity

GDP quý 4 của Philippines bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mưa lũ

VOH - Một quan chức Philippines vừa cho biết, những cơn bão tàn phá nước này trong thời gian qua gây thiệt hại đáng kể cho ngành nông nghiệp, cũng như kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong quý 4/2024.

Ông Arsenio Balisacan, thư ký Cơ quan Phát triển Kinh tế Quốc gia (NEDA) nói với Nikkei Asia: “Chúng ta không thể kiểm soát được những cơn bão. Thật không may, chúng đổ bộ liên tiếp vào Philippines. Tác động đến GDP ngành nông nghiệp là rất lớn.”

c_yagi_storm_philippines
Philippines liên tiếp hứng chịu bão vào cuối năm 2024 - Ảnh: The Hindu

NEDA là cơ quan chịu trách nhiệm lập kế hoạch và xây dựng chính sách phát triển kinh tế. Hiện nông nghiệp chiếm 10% GDP Philippines.

Ông Balisacan dự đoán thiệt hại do bão với nền kinh tế, giống như khi thời tiết El Nino tác động từ tháng 7 đến tháng 9. Những cây trồng có giá trị cao, đều rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Philippines là quốc gia sản xuất nhiều loại trái cây nhiệt đới, cũng như nhiều nông sản quan trọng cho nhu cầu nội địa. Ví dụ chuối, xoài, hành tây, ngô, ca cao và sầu riêng.

Quý 3/2024, GDP Philippines tăng 5,2%, chậm lại so với mức 6,4% của quý trước đó, do sự tàn phá của cơn bão Yagi. Điều này kéo mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm xuống 5,8%. Vì vậy, quý 4 cần đột phá, nếu muốn hoàn thành mục tiêu cả năm tăng trưởng từ 6% đến 7%. Dự đoán ít nhất quý 4 phải tăng 6,5%. Ông Balisacan khẳng định, đó là điều tuyệt vời nhưng cũng khó đạt được.

Chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos năm 2022 đặt mục tiêu tăng trưởng thường niên từ 6% tới 7% đến năm 2028, khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc. Năm 2023 kinh tế quốc gia Đông Nam Á này tăng 5,6% và năm 2022 là 7,6%.

Dữ liệu Chính phủ mới công bố cho thấy, cơn bão Nika, Ofel và Pepito, tất cả đều đổ bộ vào Philippines trong tháng 11, gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp khoảng 13,4 triệu USD. Cây trồng, thiết bị và cơ sở hạ tầng thủy lợi đều bị ảnh hưởng.

Chương trình lương thực thế giới (FAO) trong báo cáo ngày 25/11 cho biết, hơn 10 triệu người bị ảnh hưởng bởi 6 cơn bão liên tục đổ bộ Philippines tháng 11/2024.

Tuy nhiên ông Balisacan thông tin, GDP quý 4 được hỗ trợ bởi một số yếu tố khác. Ví dụ sự sôi động của thị trường việc làm, kiều hối từ công dân Philippines ở nước ngoài và lạm phát chậm. Lạm phát thấp, cộng với nhiều lễ hội mua sắm cuối năm, nên khả năng cao người dân sẽ chi tiêu nhiều.

Bình luận