Chờ...

Hiểm họa môi trường từ đồ ăn mang về trong thời Covid-19

(VOH) - Theo một nghiên cứu quốc tế mới được công bố gần đây, các loại đồ ăn tiện lợi và đặt mua mang về đang xả ra các con sông và đại dương trên khắp thế giới một lượng rác thải khổng lồ.

Việc sử dụng các loại thực phẩm tiện lợi làm sẵn và mua thức ăn mang về đang ngày càng trở nên phổ biến - nếu không muốn nói là đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của đa số người dân trên thế giới, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Các hàng quán buộc phải tạm ngưng phục vụ khách dùng bữa tại chỗ theo đúng quy định phòng dịch, việc đặt mua thức ăn mang về dần thay thế thói quen tiêu dùng của rất nhiều người trong chúng ta.

Thực tế, không thể phủ nhận tính tiện lợi và an toàn trong phòng chống lây nhiễm Covid-19 của việc mua thức ăn mang về. Tuy nhiên, liệu hình thức này có thật sự an toàn cho sức khỏe hay không và còn tiềm ẩn những rủi ro nào khác không thì còn cần phải xem xét lại; và một trong những rủi ro được nhắc đến nhiều nhất chính là việc một khối lượng rác thải khổng lồ đang dần “đầu độc” hàng loạt con sông và đại dương trên hành tinh của chúng ta.

Hiểm họa môi trường từ đồ ăn mang về trong thời Covid-19
Sông ngòi, đại dương đang oằn mình vì ô nhiễm. Ảnh: Getty Images

Môi trường biển đang kêu cứu

Trong một nghiên cứu mới đây được công bố trên Nature Sustainability - ấn phẩm uy tín chuyên về môi trường và các vấn đề xã hội trên thế giới, nhóm những nhà khoa học thuộc Đại học Cadiz ở Tây Ban Nha đã tiến hành phân tích ngẫu nhiên và thống kê có đến hơn 12 triệu mảnh rác các loại được tìm thấy tại khu vực các con sông, đại dương, bờ biển và cả đáy biển trên toàn thế giới.

Trong số này, cứ 10 mảnh rác thì có đến 8 mảnh là rác thải có nguồn gốc từ nhựa. Và có đến 44% số rác thải nhựa này đến từ các vỏ hộp, chai lọ, bao bì và dụng cụ dùng cho đồ ăn thức uống mua mang về.

Tiến sĩ Carmen Morales - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Thật choáng váng khi biết rằng các túi nilon, bao bì, chai lọ, vỏ hộp thức ăn, muỗng nĩa nhựa… chiếm đến gần một nửa số rác mà con người xả ra môi trường trên phạm vi toàn cầu. Chúng tôi tìm thấy chúng ở khắp nơi: trong lòng sông, dưới đáy biển sâu, trên bờ biển và cả trôi nổi ngoài khơi đại dương.”

Hiểm họa môi trường từ đồ ăn mang về trong thời Covid-19
Rác thải có mặt ở khắp nơi, từ trên bờ biển xuống tới đáy đại dương đều có rác. Ảnh chụp dưới đáy biển Adriatic - vùng biển thuộc Địa Trung Hải, nằm giữa Italy và Croatia. Nguồn: Getty Images

Giải pháp nào được đề xuất?

Các biện pháp để cắt giảm ô nhiễm từ rác thải nhựa lâu nay thường tập trung vào những vật dụng dễ thay thế như ống hút nhựa, bông tăm và một số dụng cụ dùng để khuấy đồ uống...

Các nhà nghiên cứu bày tỏ sự hoan nghênh với những biện pháp này, tuy nhiên cũng khuyến cáo rằng chỉ vậy thôi là chưa đủ, và chúng ta còn cần phải giải quyết số rác thải nhựa cực kỳ gây ô nhiễm đến từ đồ ăn mua mang về như đã nêu ở trên. Không chỉ vậy, với đặc điểm sử dụng của loại nhựa này là chỉ dùng một lần trong thời gian cực ngắn, phạm vi sử dụng lại vô cùng rộng - mọi nơi từ trong nhà ra đến ngoài phố - nên càng cần phải được ưu tiên giải quyết hơn.

Trong Nature Sustainability, các nhà khoa học đã đề xuất 3 giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề rác thải nhựa từ đồ ăn mang về, gồm:

- Thay thế chất liệu nhựa sử dụng để đóng gói đồ ăn bằng các chất liệu khác dễ phân hủy hơn.

- Ban hành các quy định như cấm sử dụng các vật dụng nhựa không quá cần thiết, chẳng hạn như túi nilon, túi đựng nhiều lớp… Thực tế, khi chúng ta mua một món ăn mang về thì ngoài bao bì cho chính món ăn đó, chúng ta còn sử dụng thêm một túi khác lớn hơn đựng thêm bên ngoài để mang đi. Và khi mua nhiều phần ăn thì ngoài túi dùng cho từng phần ăn thì lại có thêm một túi to hơn đựng tất cả vào một, đó là một sự lãng phí không cần thiết và hoàn toàn có thể tránh được.

- Cân nhắc việc yêu cầu đặt cọc cho vật dụng đựng thức ăn mang đi và số tiền cọc này sẽ được hoàn trả khi khách hàng trả lại vật dụng đó.

Ngoài ra, nghiên cứu trên Nature Sustainability cũng nhấn mạnh vấn đề rác thải từ hoạt động đánh bắt cá, như lưới và dây dùng để đánh bắt cá bằng nhựa được sử dụng hầu như ở khắp nơi trên thế giới. Đây được xem là một trong những vấn đề lớn nhất đối với các đại dương trên hành tinh của chúng ta. Lưới và dây đánh cá bị vứt bỏ có thể gây hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, nhất là khi các động vật biển nuốt phải.

Hiểm họa môi trường từ đồ ăn mang về trong thời Covid-19
Đồ nhựa sử dụng một lần là tác nhân gây ô nhiễm hàng đầu hiện nay. Ảnh chụp tại một bờ biển ô nhiễm nghiêm trọng ở Manila (Philippines). Nguồn: dw.com

Ô nhiễm ở châu Âu: Không ngoại lệ

Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác của Đại học Cadiz cũng đặt ra vấn đề về số rác thải từ sông đổ ra biển gây ô nhiễm ở châu Âu nói riêng. Đây là châu lục mà các hoạt động bảo vệ môi trường luôn được coi trọng và được đánh giá tốt hơn so với các khu vực khác trên thế giới như châu Á hay châu Phi.

Mặc dù vậy, con số ô nhiễm ở châu Âu cũng vô cùng đáng ngại. Các nhà khoa học ước tính có khoảng 307 đến 925 triệu mảnh rác trôi nổi ở các con sông trên khắp châu Âu mỗi năm, và số rác này sau đó tiếp tục trôi thẳng ra biển.  

Trong số rác này thì có đến 80% là rác thải nhựa, và phần lớn cũng là nhựa sử dụng một lần như chai lọ và các loại bao bì nhựa dùng để đóng gói thức ăn. Nếu thống kê theo quốc gia thì Thổ Nhĩ Kỳ là nước có lượng rác xả ra nhiều nhất (16%), tiếp đó là Italy (11%), Anh (8%), Tây Ban Nh (8%) và Hy Lạp (7%).

Bác sĩ - nhà nghiên cứu Daniel Gonzales cho rằng việc cần làm để hạn chế ô nhiễm chính là khuyến khích người tiêu dùng giảm tiêu thụ các sản phẩm làm từ nhựa.

“Chúng ta hành động không chỉ từ quan điểm của cơ quan ban hành chính sách mà còn cần dung hòa với quan điểm của người dân”, ông Daniel Gonzales nhận định.