Lượng nhựa này đủ để lấp đầy dạ dày của 18 triệu con cá voi.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về nguy cơ sức khỏe con người do sự phát tán của vi nhựa, thứ mà các nhà khoa học cho rằng có liên quan tới bệnh ung thư, vô sinh, bệnh tim và nhiều bệnh khác.

"Coca-Cola hiện là nhà sản xuất và bán đồ uống lớn nhất thế giới. Vì thế, thực sự quan trọng khi nói đến tác động của tất cả những điều này lên đại dương", Matt Littlejohn, người lãnh đạo các chiến dịch của Oceana nhắm vào các công ty gây ô nhiễm, cho biết.
Theo một nghiên cứu năm 2024 được công bố trên tạp chí Science Advances, Coca-Cola được xếp hạng là thương hiệu gây ô nhiễm nhựa nhiều nhất thế giới, tiếp theo là PepsiCo, Nestle, Danone và Altria.
Ước tính của Oceana dựa trên dữ liệu bao bì được Coca-Cola công bố từ năm 2018 đến năm 2023, kết hợp với dự báo tăng trưởng doanh số để tạo ra kịch bản "kinh doanh như thường lệ".
Kết quả cho thấy, lượng nhựa mà công ty sử dụng dự kiến sẽ vượt quá 4,13 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.
Để ước tính lượng nhựa bị thải ra hệ sinh thái nước, các nhà nghiên cứu đã áp dụng một phương pháp được bình duyệt bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế phát triển và được công bố trên tạp chí khoa học Science năm 2020 để đưa ra ước tính là gần 220 tỷ chai nửa lít bị thải bỏ.
Đối với Oceana, giải pháp rõ ràng nhất để giảm con số đáng kinh ngạc này nằm ở việc tái sử dụng bao bì - dưới dạng chai thủy tinh có thể tái sử dụng, có thể tái sử dụng 50 lần, hay hộp nhựa PET dày hơn, được thiết kế để sử dụng trong 25 lần.
Bản thân Coca-Cola đã thừa nhận vào năm 2022 rằng, bao bì tái sử dụng là "một trong những cách hiệu quả nhất để giảm thiểu chất thải" và cam kết đạt mục tiêu đạt 25% bao bì tái sử dụng vào năm 2030.
Nhưng lời cam kết đó đã lặng lẽ bị hủy bỏ trong lộ trình phát triển bền vững mới nhất được công bố vào tháng 12/2024.
Thay vào đó, mục tiêu mới của công ty tập trung vào việc tăng hàm lượng tái chế trong bao bì và thúc đẩy tỷ lệ thu gom - đồng thời nhấn mạnh những thách thức đáng kể trong việc tái chế chai soda và thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Trong một tuyên bố với AFP, người phát ngôn của Coca-Cola cho biết, dù nỗ lực của công ty hiện đang tập trung vào việc sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn và cải thiện hệ thống thu gom, "chúng tôi đã đầu tư và vẫn cam kết mở rộng các lựa chọn bao bì có thể nạp lại và công việc này sẽ tiếp tục như một phần trong chiến lược lấy người tiêu dùng làm trọng tâm của mình".