Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hơn 78% người dân ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, ông Putin có thể lãnh đạo nước Nga đến năm 83 tuổi

(VOH) - Theo kết quả kiểm phiếu, hơn 78% cử tri Nga đã ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp, giúp kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo của Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin đến năm 2036.

Ngày 1/7, người dân Nga đã đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về Các nội dung của việc cải cách Hiến pháp lần này ở Nga gồm tổng cộng hơn 200 sửa đổi như đảm bảo mức lương hưu tối thiểu, cấm kết hôn đồng giới và đáng chú ý nhất là về nhiệm kỳ của Tổng thống. Theo Tổng thống Putin và những người ủng hộ ông, việc sửa đổi Hiến pháp là cần thiết để duy trì tình hình đất nước được ổn định.

Cụ thể, nếu được thông qua, giới hạn về nhiệm kỳ lãnh đạo của Tổng thống sẽ được trả về bằng 0, tính lại từ đầu vào năm 2024 - thời điểm ông Putin kết thúc nhiệm kỳ hiện tại theo Hiến pháp hiện hành.

Hơn 78% dân Nga ủng hộ sửa đổi Hiến pháp giúp kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống của ông Putin

Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ trở thành người điều hành đất nước lâu nhất trong lịch sử hiện đại của Nga. Ảnh: BBC

Ngày 2/7, sau khi khoảng 98% số phiếu được kiểm, Ủy ban Bầu cử trung ương Nga cho biết có 78% cử tri trên khắp nước Nga đã ủng hộ các sửa đổi Hiến pháp. Chỉ hơn 20% người dân không đồng ý. Với kết quả này, Tổng thống đương nhiệm Putin có thể tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm 2 nhiệm kỳ nữa nếu ra tranh cử, tức là 12 năm.

Ông Putin cho biết ông vẫn chưa quyết định liệu ông có tái tranh cử hay không. Nếu ông tiếp tục tranh cử và tái đắc cử 2 nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo, ông sẽ trở thành người điều hành đất nước lâu nhất kể từ thời kỳ Peter Đại đế, và Joseph Stalin. Tính đến nay, thời gian ông nắm giữ quyền lãnh đạo nước Nga, kể cả ở cương vị Thủ tướng và Tổng thống, đã 20 năm.

Hơn 78% dân Nga ủng hộ sửa đổi Hiến pháp giúp kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống của ông Putin

Việc bỏ phiếu cải cách Hiến pháp ở Nga diễn ra trong vòng 7 ngày. Ảnh: BBC

Bà Ella Pamfilova - người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga - nói rằng cuộc bỏ phiếu đã diễn ra minh bạch và các quan chức Nga đã làm mọi thứ để đảm bảo tính liêm chính của cuộc bỏ phiếu.

Mặc dù vậy, chính trị gia đối lập Alexei Navalny lại có quan điểm khác. Ông gọi cuộc bỏ phiếu là không hợp pháp và được thực hiện nhằm hợp pháp hóa việc ông Putin làm tổng thống cả đời. "Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận kết quả này" - ông nói với người ủng hộ trong một video.

Cuộc trưng cầu dân  ý sửa đổi Hiến pháp tại Nga ban đầu dự định diễn ra vào tháng 4 nhưng đã bị hoãn lại do đại dịch Covid-19. Việc bỏ phiếu được tổ chức kéo dài đến 7 ngày nhằm kéo giãn việc tụ tập nhiều người ở Nga khi dịch Covid-19 tại quốc gia này vẫn còn diễn biến phức tạp. 

Bình luận