Santorini, hòn đảo núi lửa nằm trên biển Aegean, đã liên tục hứng chịu hàng chục nghìn trận động đất nhỏ từ cuối tháng 1, khiến hàng nghìn người phải rời đi.
Chính quyền đã ra lệnh cấm các hoạt động xây dựng, đóng cửa trường học và một số hòn đảo lân cận.
Dù chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng, các nhà khoa học cho biết, mức độ hoạt động địa chấn lần này là chưa từng có, ngay cả đối với một quốc gia thường xuyên xảy ra động đất như Hy Lạp. Họ cũng không loại trừ khả năng có những trận rung chấn mạnh hơn trong thời gian tới.

Cảnh đảo Santorini (phía sau) nhìn từ đảo núi lửa Nea Kameni, Hy Lạp, ngày 10/02/2025. - Ảnh: Reuters.
Các chuyên gia xác định, cảng phà chính nằm dưới một vách núi dựng đứng và một số khu vực khác trên đảo Santorini là những địa điểm dễ bị tổn thương, dù chưa có cảnh báo chính thức về việc không thể sử dụng các địa điểm này trong tình huống khẩn cấp.
Bộ trưởng Bộ Khủng hoảng Khí hậu và Bảo vệ Dân sự Hy Lạp, ông Vassilis Kikilias cho biết, Hy Lạp sẽ xây dựng một cảng sơ tán để đảm bảo tàu chở khách có thể cập bến an toàn cho đến khi hoàn thành cơ sở hạ tầng của cảng mới.
Ông Kikilias cho biết thêm, bên cạnh kế hoạch xây dựng cảng mới trên đảo Santorini, chính phủ cũng quyết định thiết lập một cảng sơ tán tại một khu vực khác trên đảo, nơi các tàu chở khách có thể cập bến trong trường hợp khẩn cấp.
Mặc dù các rung chấn đã giảm bớt vào cuối tuần qua, chính quyền địa phương vẫn quyết định gia hạn các biện pháp khẩn cấp thêm một tuần vào ngày 16/02, đồng thời tiếp tục khuyến cáo người dân tránh xa các khu vực ven biển và sườn đồi dốc có nguy cơ sạt lở.
Ông Costas Papazachos, Giáo sư Địa chấn học và người phát ngôn về tình hình động đất tại Santorini, cho biết: "Câu chuyện này vẫn chưa kết thúc. Cả chính quyền lẫn người dân cần làm quen với tình trạng này trong một thời gian, có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng nữa”.
Santorini có hình dạng như hiện nay do một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất lịch sử xảy ra vào khoảng năm 1600 trước Công nguyên.
Các nhà địa chấn học nhận định, các hoạt động địa chấn gần đây do sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo và magma, đã khiến các lớp địa chất bên dưới đảo bị đẩy lên cao.