Ông Kharrazi cho rằng các cuộc đàm phán gián tiếp sẽ giúp hai bên làm rõ lập trường của nhau và đánh giá các quan điểm từ đó có thể tìm ra giải pháp hợp lý.
Đầu tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng ông gửi thư cho Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei nhằm kêu gọi nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.
Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo sẽ hành động quân sự nếu Tehran từ chối đối thoại. Phản ứng từ Iran là từ chối đàm phán trực tiếp với Mỹ, cho rằng nội dung của thư mang tính đe dọa và bất kỳ cuộc đối thoại nào lúc này chỉ phục vụ cho mục đích gây áp lực tối đa lên Iran.

Ngoại trưởng Iran Seyed Abbas Araghchi tái khẳng định lập trường này vào ngày 23/3, đồng thời bác bỏ khả năng khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 theo hình thức ban đầu. Iran cho biết sẽ trả lời thư của Tổng thống Trump qua các kênh thích hợp sau khi hoàn tất đánh giá nội bộ.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Esmaeil Baghaei lên tiếng phản đối phát biểu của bà Kaja Kallas, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh của Iran.
Bà Kallas bày tỏ lo ngại về chương trình hạt nhân của Tehran, cho rằng nó ảnh hưởng đến sự ổn định khu vực và toàn cầu, đồng thời khẳng định EU ủng hộ các nỗ lực ngoại giao để đảm bảo Iran không phát triển vũ khí hạt nhân.
Iran chỉ trích những phát biểu này, cho rằng chúng không phản ánh đúng tình hình thực tế và không có cơ sở.
Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ vẫn lo ngại về khả năng phát triển hạt nhân của Iran. Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt, Iran từ bỏ nhiều cam kết hạn chế chương trình hạt nhân của mình dẫn đến tình hình căng thẳng hiện nay.