Chờ...

Khả năng gia nhập EU của Ukraine sẽ được đánh giá vào tháng 11

VOH - Theo một số nguồn tin, các lãnh đạo liên minh châu Âu sẽ trình bày bản đánh giá về tiến bộ mà Ukraine đạt được, trong nỗ lực gia nhập khối, vào ngày 8/11.

Đây là bước đệm quan trọng, để EU đưa ra quyết định có nên bắt đầu đàm phán về vấn đề gia nhập với Kiev hay không.

Đánh giá này sẽ được công bố trong báo cáo thường niên của Ủy ban Châu Âu có trụ sở tại Brussels, nêu chi tiết sự tiến bộ của các quốc gia muốn gia nhập khối, trong việc đáp ứng tiêu chí về kinh tế, pháp lý, chống tham nhũng và nhiều khía cạnh khác.

Ukraine đang khao khát gia nhập EU – Ảnh: Foreign Policy
Ukraine đang khao khát gia nhập EU – Ảnh: Foreign Policy

Sau đó, sẽ có một quyết định trong hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo EU từ ngày 14 đến 15/12, về việc có nên khởi động các cuộc đàm phán để gia nhập với Ukraine hay không, khi ưu tiên hàng đầu của Kiev là chống lại Nga.

Ukraine dự kiến sẽ nhận được khuyến khích tích cực, có thể kèm theo điều kiện bổ sung liên quan đến chống tham nhũng và quyền của người thiểu số, vấn đề thứ hai đã được Hungary nêu ra.

Một quan chức EU cho biết trong tuần này rằng, khuyến nghị tương tự có thể được đưa ra đối với Moldova, quốc gia cũng đang tham gia vào cuộc giằng co địa chính trị với Nga.

Vấn đề của Gruzia, chưa có quyết định về việc nước này nhận được tư cách ứng cử viên chính thức hay không, điều mà Kiev giành được vào tháng 6 năm ngoái.

Theo các quan chức và nhà ngoại giao EU, bất kỳ quyết định mở rộng nào cũng cần sự ủng hộ của tất cả thành viên trong khối, điều mà các nước ở Tây Balkan khó đạt được.

Thay vào đó, khu vực này sẽ nhận được hỗ trợ tài chính bổ sung, từ ngân sách chung của khối. Quyết định trên cũng sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh tháng 12.

Theo 1 số nguồn tin, đề xuất đánh giá của Ủy ban bao gồm dành 50 tỷ euro để hỗ trợ Ukraine đến năm 2027, cũng như phân bổ 15 tỷ euro khác để xử lý tình trạng nhập cư trái phép.

Các nguồn tin cũng cho biết, quyết định về ngân sách đòi hỏi sự nhất trí trong toàn khối. Một số quốc gia thành viên muốn nhận được thêm hỗ trợ, để giải quyết thảm họa thiên nhiên như cháy rừng và lũ lụt.