Chờ...

Lãnh đạo Nga - Trung có toan tính gì khi tiến hành cuộc gặp song phương vào thời điểm này?

(VOH) Ngày 15/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến trong lúc mâu thuẫn giữa 2 nước này với các nước phương Tây ngày càng trầm trọng.

Lãnh đạo Nga và Trung Quốc có những toan tính gì khi chọn tiến hành cuộc gặp vào thời điểm này đang là vấn đề được quốc tế quan tâm.  

Cuộc gặp giữa ông Putin và Tập Cận Bình đã nhấn mạnh thái độ thù địch chung của họ đối với phương Tây.

lanh-dao-nga-trung-co-toan-tinh-gi-khi-tien-hanh-cuoc-gap-song-phuong-vao-thoi-diem-nay-voh.com.vn-anh1
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự cuộc họp thượng đỉnh về Sáng kiến "Vành đai và Con đường" tại Bắc Kinh ngày 15/5/2017. (Ảnh: AFP via Getty Imges)

Theo thông tin được Tân Hoa Xã phát đi sau cuộc gặp, ông Tập Cận Bình đã bày tỏ sự không hài lòng về việc phương Tây lên án vấn đề nhân quyền của Trung Quốc và cho rằng đây là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.  

Ông Tập Cận Bình nói, hiện nay một số thế lực quốc tế đang dùng chiêu bài "dân chủ" và "nhân quyền" để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Nga.  

Ông cho rằng, Trung Quốc và Nga nên có các hành động chung nhiều hơn để bảo vệ hiệu quả lợi ích an ninh của cả hai nước.  

Thời gian gần đây, Nga đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, vì tập kết lực lượng quy mô lớn dọc biên giới với Ukraine.  

Trợ lý Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov, cho biết tại cuộc họp báo vào ngày 15/12 rằng Tổng thống Putin đã chia sẻ thông tin với ông Tập Cận Bình về cuộc điện đàm gần đây giữa ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden.  

Sau đó, ông Tập Cận Bình nói rằng ông thấu hiểu mối quan tâm của Nga và ủng hộ những sáng kiến ​​của nước này.  

Cuộc gặp trực tuyến giữa ông Biden và Putin chủ yếu xoay quanh vấn đề Ukraine. Ông Biden cảnh báo rằng Nga chớ nên có hành động tấn công quân sự vào Ukraine.  

Về phần mình, ông Putin đòi hỏi phải có sự đảm bảo an ninh từ Mỹ và các đồng minh. Cụ thể là phải đảm bảo rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây Dương (NATO) sẽ không mở rộng lực lượng về phía đông và không triển khai vũ khí gần lãnh thổ Nga; Nga kiên quyết phản đối việc Ukraine gia nhập NATO và gọi đây là lằn ranh đỏ của Moscow.  

Ông Ushakov nói lãnh đạo Nga và Trung Quốc đều có "cái nhìn tiêu cực" về việc thành lập liên minh quân sự mới của các nước phương Tây, chẳng hạn như quan hệ đối tác ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) và Đối thoại an ninh Tứ giác (QUAD), còn gọi là "Bộ tứ kim cương" với các thành viên gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.  

Thông tin từ Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ông hy vọng sẽ có cuộc gặp trực tiếp với ông Tập vào tháng 2/2022 khi ông tham dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông tại Bắc Kinh.  

Ông Putin nói: "Tôi muốn chỉ ra rằng chúng tôi luôn ủng hộ lẫn nhau trong vấn đề hợp tác quốc tế về thể thao, bao gồm việc bác bỏ mọi nỗ lực nhằm chính trị hóa thể thao và phong trào Olympic".  

Những toan tính của cuộc gặp này là gì?  

Bình luận về cuộc gặp trực tuyến giữa lãnh đạo Nga - Trung, tờ New York Times nói rằng, đối với ông Tập Cận Bình, cuộc gặp lần này là cơ hội để chuyển hướng những chỉ trích của các nước về những hành động của Trung Quốc, từ vấn đề Biển Đông đến cuộc xung đột biên giới với Ấn Độ…  

Ông Tập Cận Bình cũng muốn chứng tỏ rằng Trung Quốc không bị cô lập về mặt ngoại giao, đặc biệt là trước thềm Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh. Sự kiện thể thao quốc tế này nhằm thể hiện vị thế toàn cầu của Trung Quốc, thay vì quan hệ xấu đi với hầu hết các khu vực trên thế giới.  

Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng trước sức ép mạnh mẽ từ các nước phương Tây, lãnh đạo Nga - Trung tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh song phương nhằm thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau và sự chung tay đối phó của hai nước, nhưng sự liên kết giữa hai nước cũng có những giới hạn.  

Chẳng hạn như, Trung Quốc chưa từng công nhận việc Nga sáp nhập Crimea; Nga cũng không ủng hộ chủ trương bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông; họ không dùng các hiệp ước liên minh chính thức để ràng buộc mình vì muốn duy trì sự độc lập và linh hoạt trong hành động của mình.  

Quan hệ giữa Nga, Trung với các nước phương Tây ngày càng căng thẳng

Các phân tích chỉ ra rằng cuộc gặp trực tuyến lần này giữa lãnh đạo Nga - Trung đã nhấn mạnh cách thức mà hai nước này ủng hộ lẫn nhau trong bối cảnh căng thẳng với các nước phương Tây đang gia tăng.  

Trung Quốc đang phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng của quốc tế vì những hành động của nước này tại Tân Cương, Hồng Công, Đài Loan và Biển Đông...  

Vào ngày 6/12, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden và các quan chức trong chính phủ Mỹ sẽ không đến dự Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh do vấn đề nhân quyền. 

Vài ngày sau tuyên bố của Mỹ, các quốc gia như Australia, Canada và Anh cũng tuyên bố 'tẩy chay ngoại giao' đối với Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh.

Thời gian gần đây, Nga cũng trở thành tâm điểm khi bị các nước phương Tây liên tục lên án vì mối đe dọa quân sự đối với Ukraine.  

Các cơ quan tình báo Mỹ nhận định rằng Nga có thể đang có kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine, sớm nhất là vào đầu năm 2022, với sự tham gia của 175.000 binh sĩ. Điện Kremlin đã bác bỏ thông tin nói rằng Nga có kế hoạch tấn công Ukraine.  

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp tại Liverpool, Anh. Trọng tâm của cuộc họp chủ yếu xoay quanh vấn đề Nga và Trung Quốc.  

Cuộc họp đã ra tuyên bố chung cảnh báo Tổng thống Putin rằng Nga sẽ phải chịu hậu quả lớn và trả giá đắt nếu tấn công quân sự Ukraine.  

Reuters đưa tin, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng các nước G7 cũng thảo luận về tình hình ở Hồng Công, vấn đề Tân Cương và Đài Loan.