Chiều ngày 30/8, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Liên hợp Iraq tuyên bố dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên toàn quốc sau khi những người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite đầy quyền lực ở Iraq Moqtada al-Sadr rút khỏi khu vực vùng Xanh ở thủ đô Baghdad ngay sau bài phát biểu của ông.
Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, giáo sĩ al-Sadr kêu gọi những người ủng hộ chấm dứt cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Baghdad.
Trước đó cùng ngày, một số quốc gia đã đưa ra cảnh báo đi lại đối với thủ đô Baghdad của Iraq. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/8 khuyến cáo người dân nước này không nên đến Baghdad trong trường hợp không cần thiết. Trong khi đó, Kuwait đã kêu gọi công dân hiện đang ở Iraq nên rời khỏi nước này càng sớm càng tốt. Hãng thông tấn Kuwait (KUNA) đề nghị, những người đang có kế hoạch đến Iraq nên hoãn chuyến đi của mình.
Cũng trong ngày 30/8, hãng hàng không Emirates Airlines của Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tạm đình chỉ các chuyến bay đến Baghdad do tình hình bất ổn ở Iraq.
Như tin đã đưa, ngày 29/8, giáo sĩ al-Sadr tuyên bố sẽ rời khỏi chính trường và đóng cửa các cơ sở thuộc Phong trào al-Sadr do ông lãnh đạo. Tuyên bố này của ông đã khiến cuộc biểu tình kéo dài một tháng qua tại Iraq nhanh chóng leo thang, đám đông những người biểu tình ủng hộ ông đã xông vào một tòa nhà chính phủ ở vùng Xanh tại trung tâm thủ đô Baghdad.
Trước tình hình này, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Liên hợp Iraq ngày 29/8 tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhemi kêu gọi những người biểu tình kiềm chế và rút khỏi vùng Xanh ngay lập tức.
Tin cho hay, trong quá trình giải tán đám đông biểu tình ở khu vực vùng Xanh, lực lượng an ninh Iraq đã nổ súng và gây ra thương vong. Truyền thông địa phương cho biết vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình đã khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Iraq đang chìm trong bế tắc chính trị kể từ sau cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10 năm ngoái. Tại cuộc bầu cử này, đảng của ông al-Sadr đã giành được nhiều ghế nhất với 73/329 ghế tại quốc hội.
Căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng dòng Shiite trong thời gian qua đã khiến Iraq không thành lập được chính phủ đa số. Ngày 12/6 vừa qua, toàn bộ các nghị sĩ thuộc đảng của ông al-Sadr đã đồng loạt rút khỏi quốc hội.
Kế từ đó, nhóm chính trị do các đối thủ của ông al-Sadr nắm quyền chủ đạo trong lực lượng Hồi giáo dòng Shiite đã trở thành đảng phái lớn nhất trong quốc hội, và ứng viên thủ tướng mới mà nhóm này dự định đề cử đã vấp phải sự phản đối của Phong trào al-Sadr.
Từ cuối tháng 7 vừa qua, những người ủng hộ giáo sĩ al-Sadr đã tiến hành các cuộc biểu tình tại nhiều tỉnh thành ở Iraq nhằm phản đối việc ông Mohammed Shia 'al-Sudani được đề cử làm thủ tướng mới.