Cơ quan này cũng cáo buộc quân đội Myanmar vi phạm lệnh ngừng bắn của chính mình với 16 cuộc không kích diễn ra ngay sau lệnh ngừng bắn ban hành vào ngày 2/4.
Theo báo cáo của OHCHR, các cuộc tấn công từ chính quyền quân sự nhắm vào những người đối lập kể từ trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra vào ngày 28/3. Tổng cộng có 53 vụ tấn công đã được báo cáo.
Người phát ngôn của OHCHR, Ravina Shamdasani, cho biết tình hình nhân đạo tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, đặc biệt là ở những vùng ngoài tầm kiểm soát của quân đội, "rất thảm khốc."
Tính đến ngày 5/4, trận động đất khiến hơn 3.100 người thiệt mạng, hơn 4.500 người bị thương và hơn 200 người vẫn đang mất tích, theo trang Myanmar Now.

Ông James Rodehaver, người đứng đầu nhóm OHCHR tại Myanmar cho biết: "Đây là một phần trong chiến lược của chính quyền quân sự nhằm ngăn chặn viện trợ đến với những nhóm dân cư mà họ cho là không ủng hộ việc nắm quyền vào năm 2021."
Việc Thống tướng Min Aung Hlaing tham gia hội nghị thượng đỉnh tại Thái Lan sau trận động đất gây ra nhiều tranh cãi. Các phe đối lập phản đối mạnh mẽ sự có mặt của ông Min Aung Hlaing, cho rằng ông không phải là đại diện hợp pháp của Myanmar, đồng thời kêu gọi hủy bỏ quyền tham gia của chính quyền quân sự Myanmar tại hội nghị này.
Cộng đồng quốc tế, bao gồm các quốc gia trong khu vực và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực cung cấp viện trợ cho Myanmar.
Giám đốc cứu trợ của Liên hợp quốc, Tom Fletcher và đặc phái viên tại Myanmar, Julie Bishop, đã có mặt tại nước này. Đặc biệt, Jaime Nadal Roig, đại diện của Cơ quan Sức khỏe Tình dục và Sinh sản của Liên hợp quốc tại Myanmar, kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp thêm viện trợ để giúp các cơ quan cứu trợ địa phương tiếp cận được những người cần thiết nhất.