Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố Bắc Kinh không tham gia chạy đua vũ trang và duy trì chính sách quốc phòng phù hợp với nhu cầu bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc 3 cường quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng nhau cắt giảm 50% chi tiêu quân sự.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Nga ngày 24/2, ông Putin nhận định: "Tôi nghĩ đó là một ý tưởng hay. Mỹ sẽ cắt giảm 50%, Nga cũng sẽ giảm 50%, và Trung Quốc có thể tham gia nếu muốn.” Ô
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng cho biết Nga sẵn sàng thảo luận với Mỹ để đạt được thỏa thuận này. Trước đó, ông Trump từng đề xuất một cuộc gặp với ông Tập Cận Bình và ông Putin để đàm phán về vấn đề cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Hiện Mỹ là nước có chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới với ngân sách quốc phòng năm 2024 ước tính khoảng 800 tỷ USD.
Tổng thống Donald Trump từng nhấn mạnh sự lãng phí trong việc đầu tư vào vũ khí hạt nhân và mong muốn chuyển nguồn lực này sang các lĩnh vực khác. Hôm 10/2, ông Trump đã yêu cầu Lầu Năm Góc xây dựng kế hoạch cắt giảm 8% ngân sách quân sự mỗi năm trong vòng 5 năm tới.
Về phía Nga, nước này đã tăng mạnh chi tiêu quân sự kể từ khi phát động chiến dịch ở Ukraine năm 2022.
Ngân sách quốc phòng và an ninh của Moscow năm 2024 chiếm khoảng 8,7% GDP, tương đương 13,1 ngàn tỷ ruble (151 tỷ USD). Kế hoạch ngân sách năm 2025 của Nga dự kiến tiếp tục dành khoảng 32,5% tổng chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng.
Trung Quốc, quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, cũng duy trì mức tăng chi tiêu quân sự ổn định.
Năm 2024, Bắc Kinh phân bổ 1,67 ngàn tỷ nhân dân tệ (230,6 tỷ USD) cho quốc phòng - tăng 7,2% so với năm trước. Bắc Kinh khẳng định chính sách của họ luôn kết hợp giữa phát triển kinh tế và quốc phòng mà không chạy đua vũ trang.