Mỹ đối mặt đợt sa thải liên bang lớn nhất lịch sử

VOH - Với đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn này, nước Mỹ đang bước vào một giai đoạn đầy biến động trong thị trường lao động, và những tác động sâu xa của nó có thể còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tiến hành một đợt sa thải quy mô lớn với hàng trăm nghìn nhân viên liên bang, được dự báo là đợt cắt giảm việc làm lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Với sự hỗ trợ của Bộ Hiệu quả Chính phủ do tỷ phú Elon Musk đứng đầu, Nhà Trắng đã triển khai kế hoạch cắt giảm nhân sự trên toàn chính phủ liên bang. Điều này khiến hàng chục nghìn nhân viên bị sa thải hoặc buộc phải nhận trợ cấp thôi việc.

Theo dữ liệu từ Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ, tính đến tháng 5/2024, có khoảng 220.000 nhân viên liên bang có thời gian làm việc dưới một năm. Trong khi đó, hơn 75.000 nhân viên đã chấp nhận gói trợ cấp thôi việc, đồng ý nghỉ việc nhưng vẫn được trả lương đến tháng 9. Tổng số người mất việc có thể lên đến gần 300.000 người, tạo ra cuộc cắt giảm nhân sự chưa từng có trong lịch sử Mỹ.

Giáo sư Jesse Rothstein từ Đại học California, Berkeley, cho biết các công chức vừa được thăng chức trong năm qua cũng có nguy cơ bị sa thải, do họ vẫn đang trong giai đoạn thử việc ở vị trí mới.

that nghiep my
Người lao động xếp hàng chờ xin việc tại Hội chợ việc làm ở Uniondale, New York (Mỹ) - Ảnh: Reuters

Ngoài ra, các nhà thầu liên bang làm việc tại các cơ quan như Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cũng có thể nằm trong diện bị ảnh hưởng.

Làn sóng sa thải này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động mà còn gây ra hiệu ứng domino, tác động đến nền kinh tế địa phương.

Ông Ernie Tedeschi, Giám đốc kinh tế tại Trung tâm nghiên cứu tài chính thuộc Đại học Yale, nhận định: “Những người mất việc sẽ cắt giảm chi tiêu, làm ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp địa phương, từ nhà hàng, quán cà phê đến nhà trẻ.”

Sự bất ổn từ việc cắt giảm nhân sự cũng có thể khiến các doanh nghiệp liên kết với chính phủ liên bang hạn chế tuyển dụng, dẫn đến tác động lan tỏa lên thị trường lao động.

Tại thủ đô Washington D.C., nơi tập trung phần lớn cơ quan liên bang, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng mạnh. Hai nhà kinh tế Adam Kamins và Justin Begley thuộc Moody’s ước tính gần 100.000 công việc chính phủ sẽ bị cắt bỏ hoặc chuyển khỏi khu vực này trong vài năm tới, đẩy D.C. vào một cuộc suy thoái nhẹ.

Các bang Maryland và Virginia, vốn phụ thuộc nhiều vào việc làm trong chính phủ liên bang, cũng sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.

Dù tác động rõ rệt ở cấp địa phương, các chuyên gia kinh tế nhận định đợt cắt giảm này chưa đủ sức kéo toàn bộ nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Ông Tedeschi cho rằng nếu khoảng 200.000 nhân viên liên bang bị mất việc, GDP Mỹ sẽ chỉ giảm khoảng 0,1% trong cả năm. “Việc này sẽ không đủ nghiêm trọng để gây ra suy thoái,” ông nói.

Chuyên gia Ryan của Capital Economics cũng nhận định rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang gần trạng thái toàn dụng lao động, với 1,5 triệu việc làm mới được tạo ra trong năm 2024. Điều này giúp những nhân viên bị sa thải có cơ hội nhanh chóng tìm được việc làm mới.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng các chính sách khác của chính quyền ông Trump, như áp thuế quan và trục xuất lao động nhập cư, có thể làm gia tăng thêm áp lực lên nền kinh tế.

Trong khi đó, các nhà lập pháp đảng Dân chủ chỉ trích quyết định sa thải hàng loạt của chính quyền, cho rằng đây là động thái làm suy yếu bộ máy chính phủ và gây mất ổn định cho hàng triệu người dân Mỹ phụ thuộc vào các dịch vụ công.

 

Bình luận