Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tính đến ngày 19/9, nước này có gần 24.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận.
Nhiều bệnh nhân đậu mùa khỉ bị phát ban và tổn thương nghiêm trọng do nhiễm trùng. Quá trình hồi phục có thể mất vài tuần. Trong đó, một số ít phải nhập viện vì các biến chứng do virus gây ra.
Bang California là nơi có nhiều ca mắc nhất trong số các bang của Mỹ với 4.656 trường hợp, tiếp theo là New York (3.755 trường hợp) và Florida (2.398 trường hợp).
Đáng chú ý, vào tuần trước, ca tử vong đầu tiên do nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tại Mỹ trong năm nay đã được xác nhận. Nạn nhân là một người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Một ca tử vong khác đã được báo cáo ở Texas và đang được điều tra liệu có phải do virus hay không.
Theo các chuyên gia, diễn biến dịch đậu mùa khỉ hiện nay như tái hiện lại tình cảnh những tháng đầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 - thời điểm các dữ liệu chưa phản ánh toàn cảnh dịch bệnh và không thể kịp thời ngăn chặn đà lây nhiễm của dịch bệnh.
Xem thêm: Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người bằng cách nào?
Bệnh đậu mùa khỉ sắp đột biến kháng thuốc?
Theo CBS News, các quan chức y tế liên bang của Mỹ đang cảnh báo đậu mùa khỉ chỉ còn một đột biến nữa là có thể chống lại thuốc kháng virus. Điều này được đưa ra trong hướng dẫn mới của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho loại thuốc điều trị đậu mùa khỉ Tecovirimat hay Tpoxx.
Dựa trên các nghiên cứu động vật và một số bệnh nhân, FDA cho biết đậu mùa khỉ có "một số con đường di truyền" để phát triển khả năng kháng Tecovirimat.
Giới chức y tế liên bang cảnh báo các bác sĩ phải thận trọng trong việc kê đơn bởi loại thuốc Tecovirimat rất dễ gây kháng thuốc. Ngay cả một đột biến nhỏ trong virus cũng có thể khiến thuốc mất tác dụng.
Do đó, ngoài Tpoxx, chính quyền Mỹ chuyển sang dự trữ loại thuốc kháng virus khác do Chimerix sản xuất. Đó là brincidofovir hay Tembexa, được cho là giải pháp thay thế cho các bác sĩ nếu không thể sử dụng Tecovirimat.
Theo CDC, hầu hết bệnh nhân có hệ thống miễn dịch nguyên vẹn sẽ cần hỗ trợ y tế nhằm kiểm soát cơn đau. Tuy nhiên, họ không nhất thiết phải điều trị bằng thuốc kháng virus.
CDC đã và đang theo dõi chặt chẽ các đột biến của virus để tìm ra các biến chủng tiềm năng, có thể kháng lại các liệu pháp điều trị. Các bệnh viện khắp cả nước cũng chuyển nhiều mẫu bệnh phẩm dương tính đến cơ quan để giải trình tự gene.
Virus đậu mùa khỉ là loại virus DNA có khả năng chỉnh sửa gene. Tuy nhiên, tỷ lệ đột biến của đậu mùa khỉ thấp hơn 100 đến 1.000 lần so với các loại virus RNA như nCoV hoặc cúm. Đột biến hiếm gặp của đậu mùa khỉ được ghi nhận vào đầu tháng này, trong một cụm bệnh nhân ở California. Đột biến có thể gây nên hiện tượng âm tính giả ở một số xét nghiệm. |