Ngày 21/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ra thông cáo có đoạn: "Sau các cuộc thảo luận chi tiết với Tổng thống Joe Biden về tình hình leo thang do Iran và các lực lượng ủy nhiệm tiến hành ở Trung Đông thời gian gần đây, tôi đã chỉ đạo thực hiện hàng loạt biện pháp bổ sung để củng cố trạng thái sẵn sàng của quân đội Mỹ tại khu vực."
Theo đó, Mỹ sẽ gửi hàng loạt hệ thống phòng không tiên tiến gồm hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và nhiều tiểu đoàn phòng không Patriot đến "chảo lửa" Trung Đông.
Như vậy, sau 2 năm kể từ khi Tổng thống Joe Biden năm 2021 quyết định rút nhiều hệ thống phòng không khỏi Trung Đông do căng thẳng với Iran hạ nhiệt, thì nay Mỹ đã cho triển khai trở lại các hệ thống này.
Tướng Austin cũng cho biết đã lệnh cho nhiều đơn vị quân đội chuyển sang trạng thái sẵn sàng triển khai, nhưng không công bố số lượng bao nhiêu. Hiện tại có khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ đã nhận lệnh sẵn sàng khi cần điều động.
"Những biện pháp này sẽ tăng cường nỗ lực răn đe tại khu vực, mở rộng khả năng bảo vệ lực lượng Mỹ và hỗ trợ hoạt động phòng thủ của Israel", Tướng Austin khẳng định.
Những tuần gần đây Mỹ cũng điều lực lượng hải quân hùng hậu đến Trung Đông - gồm 2 tàu sân bay, nhiều tàu chiến hỗ trợ và hàng ngàn lính thủy đánh bộ.
Washington hiện đang tăng cường các biện pháp an ninh đối với lực lượng quân đội đang đồn trú tại các nước Trung Đông, trong bối cảnh các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn đe dọa sẽ tấn công các cơ sở và lực lượng của Mỹ bằng tên lửa và UAV nếu Washington can thiệp hỗ trợ Israel trong xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza.
Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq những ngày qua đã liên tiếp là mục tiêu tấn công của rocket và máy bay không người lái (UAV), khiến một số binh sĩ bị thương ở vùng đầu và nhiều trang thiết bị hư hại.
Patriot được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Mỹ. Tình trạng nguồn cung thường xuyên bị thiếu hụt khiến các đồng minh trên thế giới đang tranh giành sở hữu tổ hợp này. THAAD là hệ thống phòng không có radar mạnh mẽ, được Mỹ phát triển từ năm 1987 để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở giai đoạn cuối khi chúng đang lao xuống mục tiêu. Việc Mỹ triển khai hệ thống này tới Hàn Quốc vào năm 2016 đã khiến Trung Quốc tức giận vì tin rằng THAAD có thể xâm phạm không phận của Bắc Kinh. |