Mỹ trình LHQ nghị quyết mới về xung đột Nga - Ukraine

VOH - Ngày 21/2, Mỹ trình lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) dự thảo nghị quyết về chiến sự Nga - Ukraine. Dự thảo của Mỹ đưa ra ngay trước thời điểm đánh dấu 3 năm kể từ khi xung đột nổ ra - ngày 24/2/2022.

Dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất có nội dung ngắn gọn, chỉ gồm 3 đoạn văn – theo Reuters, với nội dung nhấn mạnh việc “thương tiếc những sinh mạng đã mất trong cuộc xung đột Nga - Ukraine" và tái khẳng định mục tiêu của LHQ là duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.

Nghị quyết kêu gọi "chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến và thúc đẩy một nền hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga", song không đề cập đến tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine hay yêu cầu Nga rút quân.

Reuter đưa tin phía Nga đã đưa ra sửa đổi đối với lời kêu gọi trên, bổ sung thêm nội dung "giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột". Đại sứ Nga tại LHQ - ông Vassily Nebenzia, hoan nghênh đề xuất của Mỹ là "bước đi đúng đắn" nhưng khẳng định chỉ ủng hộ nếu nội dung sửa đổi được chấp thuận.

ngaafp-1651805370442
Đại sứ Nga tại LHQ - ông Vassily Nebenzia - hoan nghênh dự thảo nghị quyết của Mỹ, song cho biết Nga sẽ chỉ bỏ phiếu ủng hộ khi nội dung sửa đổi về "giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột" được thông qua - Ảnh: AFP

Dự thảo nghị quyết của Mỹ đối lập với dự thảo do Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) đề xuất trước đó - dự kiến sẽ được Đại Hội đồng LHQ bỏ phiếu vào ngày 24/2.

Dự thảo do EU và Ukraine đệ trình kêu gọi "giảm leo thang, chấm dứt xung đột trong năm nay và đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao để đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài tại Ukraine". Dự thảo này cũng nhắc lại yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức và chỉ trích hành động mở chiến dịch quân sự của Moscow.

Các đồng minh châu Âu lo ngại rằng nghị quyết của Mỹ, cùng với nỗ lực đàm phán trực tiếp với Nga, có thể loại Ukraine khỏi bàn thương lượng.

Trước đó vào hôm 18/2, phái đoàn Mỹ và Nga đã gặp nhau tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để thảo luận về khả năng chấm dứt chiến sự mà không có sự tham gia của Kiev. 

Các nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ tuy không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu về cuộc chiến. Việc Mỹ đưa ra một nghị quyết không có nội dung chỉ trích Nga và không đề cập đến việc rút quân ở Ukraine có thể làm thay đổi cục diện ngoại giao liên quan đến cuộc xung đột.

Cuộc bỏ phiếu ngày 24/2 sẽ là phép thử quan trọng, cho thấy mức độ ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường của Mỹ, Nga, Ukraine và châu Âu trong việc giải quyết cuộc chiến kéo dài 3 năm qua.

Bình luận