Theo nhóm này, trong khi người dân Myanmar đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ trận động đất kinh hoàng xảy ra vào ngày 28/3, quân đội Myanmar vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc không kích vào các khu vực dân cư gây thêm đau thương cho người dân.
Liên minh quốc gia Karen cho biết, các cuộc không kích của quân đội Myanmar vẫn không ngừng diễn ra sau thảm họa thiên nhiên.
Đặc biệt, gày 30/3, lực lượng giải phóng dân tộc Danu ở bang Shan cho biết có 7 chiến binh của họ thiệt mạng trong một cuộc không kích ngay sau khi động đất xảy ra. Các cuộc tấn công không chỉ nhắm vào các khu vực chiến sự mà còn gây thiệt hại cho nhiều thị trấn như Nawnghkio và Sagaing gần khu vực tâm chấn.
Mặc dù vậy, chính quyền quân sự Myanmar vẫn chưa lên tiếng phản hồi về những chỉ trích này.

Chính phủ thống nhất quốc gia (NUG) Myanmar, đại diện cho phe đối lập, thông báo ngừng các hoạt động quân sự tấn công ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất kể từ ngày 30/3 để tạo điều kiện cho cứu trợ nhân đạo.
Trước tình hình này, cộng đồng quốc tế lên tiếng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức để giúp đỡ người dân Myanmar vượt qua khó khăn.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi các bên thực hiện ngừng bắn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu trợ và tái thiết lâu dài. Liên hợp quốc cũng đã yêu cầu quân đội Myanmar ngừng các hoạt động quân sự sau động đất, nhấn mạnh rằng việc này sẽ tạo điều kiện cho các nỗ lực nhân đạo và hòa giải dân tộc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nâng mức độ khẩn cấp đối với trận động đất ở Myanmar lên mức cao nhất, đồng thời kêu gọi tài trợ khẩn cấp 8 triệu USD để hỗ trợ cứu người và ngăn ngừa dịch bệnh có thể bùng phát.