Tiêu điểm: Nhân Humanity

Myanmar: Người biểu tình lại xuống đường bất chấp lệnh cấm tụ tập

(VOH) – Những người biểu tình chống lại sự tiếp quản của quân đội Myanmar đã lại xuống đường hôm thứ Ba bất chấp các quy định mới khiến cuộc biểu tình của họ trở thành bất hợp pháp.

Cảnh sát đã bắt giữ nhiều người biểu tình, sử dụng vòi rồng để cố gắng giải tán đám đông tại Mandalay, trong khi đó một đám đông khác cũng tập hợp tại Yangon bất chấp sự hiện diện dày đặc của lực lượng an ninh.

bieu-tinh-myanmar-voh.com.vn
Người biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội tiếp tục xuống đường hôm 9/2 tại Myanmar. Ảnh: AP

Sắc lệnh ban hành đêm thứ Hai áp dụng cho một vài khu vực của hai thành phố Mandalay và Yangon cấm các cuộc biểu tình và tụ tập hơn năm người, cùng với hình thức tụ tập có phương tiện cơ giới, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau.

Yangon là thành phố lớn nhất Myanmar còn Mandalay xếp thứ hai, là những nơi mà kể từ thứ Bảy tuần trước chứng kiến hàng ngàn người xuống đường biểu tình. Không rõ rằng các quy định mới có được áp đặt cho các khu vực khác hay không.

Người biểu tình đang yêu cầu khôi phục lại quyền lực cho chính quyền dân sự bị lật đổ và tìm kiếm tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và các thành viên đảng cầm quyền khác bị giam giữ khi quân đội ngăn chặn phiên họp mới của Quốc hội triệu tập vào ngày 1/2.

Cùng với các cuộc biểu tình tại Yangon và Mandalay, nhiều cuộc biểu tình khác cũng diễn ra tại các thành phố khác trong đó có Bago và Dawei, và tại bang miền nam Shan.

Sự phản kháng ngày càng gia tăng ở một quốc gia nơi mà các cuộc biểu tình trong quá khứ đã diễn ra với vũ lực chết người và là lời nhắc nhở về các phong trào dân chủ trước đây.

Hôm 7/2, hàng chục ngàn người biểu tình tụ tập tại chùa Sule của thành phố Yangon, trước đây là tâm điểm của cuộc biểu tình chống lại sự cai trị của quân đội trong cuộc nổi dậy lớn năm 1988 và trong cuộc nổi dậy năm 2007. Quân đội đã sử dụng bạo lực để chấm dứt cả hai cuộc nổi dậy đó.

Truyền thông nhà nước lần đầu tiên vào hôm thứ Hai đề cập đến các cuộc biểu tình, cho rằng họ đang gây nguy hiểm cho sự ổn định của đất nước.

Tuy nhiên, chỉ huy quân đội dẫn đầu cuộc đảo chính và hiện là nhà lãnh đạo Myanmar đã không đề cập đến tình trạng bất ổn trong một bài phát biểu trên truyền hình dài 20 phút vào tối thứ Hai, lần đầu tiên xuất hiện công khai kể từ khi tiếp quản.

Thay vào đó, Tướng Min Aung Hlaing lặp lại những tuyên bố về gian lận bỏ phiếu vốn là lý do biện minh cho việc tiếp quản của quân đội, là những cáo buộc đã bị ủy ban bầu cử bác bỏ. Ông nói thêm rằng quân đội của mình sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới như đã hứa trong một năm và trao lại quyền lực cho những người chiến thắng, đồng thời giải thích các chính sách dự kiến của quân đội đối với việc kiểm soát COVID-19 và nền kinh tế.

Bình luận