Tuyên bố nằm trong bài phát biểu về tình hình quốc gia ngày 6/2 của Tổng thống Cyril Ramaphosa.
Ông Ramaphosa chia sẻ về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, theo đuổi lợi ích hẹp hòi, khẳng định “Dân tộc Nam Phi kiên cường và sẽ không thể bị bắt nạt. Chúng ta sẽ đoàn kết, sẽ lên tiếng bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền và hiến pháp dân chủ”.

Bài phát biểu của Tổng thống Nam Phi diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nam Phi "tịch thu" đất đai thông qua một đạo luật được ký vào tháng trước. Chính phủ Nam Phi đã bác cáo buộc này, tuyên bố đây là thông tin "sai". Tổng thống Mỹ cũng cáo buộc chính phủ Nam Phi "đối xử tệ với một số tầng lớp" và đe dọa cắt giảm viện trợ cho Nam Phi.
Đạo luật ký vào tháng 1 vừa qua quy định trong một số trường hợp, chính phủ có thể "không cần bồi thường" cho đất đai tịch thu vì lợi ích công.
Quyền sở hữu đất đai luôn là vấn đề gây tranh cãi tại Nam Phi do đa số đất nông nghiệp vẫn thuộc quyền sở hữu của người da trắng 30 năm sau khi chế độ apartheid kết thúc. Chính phủ nước này vẫn đang nỗ lực cải cách.
Trong bài phát biểu trước toàn quốc, ông Ramaphosa nhắc đến quyết định ngừng viện trợ quốc tế của Mỹ nơi 17% các chương trình điều trị AIDS/HIV nhận tiền từ nguồn viện trợ này.
Tổng thống Ramaphosa cho biết chính phủ đang xem xét nhiều biện pháp để giải quyết các nhu cầu cấp thiết và đảm bảo các dịch vụ thiết yếu được vận hành liên tục nếu mất đi nguồn viện trợ này.
Sau lời đe dọa cắt viện trợ cho Nam Phi của Tổng thống Trump, tỷ phú Elon Musk cũng có cáo buộc chính phủ Nam Phi đưa ra "luật lệ sở hữu mang tính phân biệt chủng tộc". Ông Musk chỉ ra việc công ty vệ tinh Internet Starlink thuộc sở hữu của vị tỷ phú chưa xin được giấy phép hoạt động ở Nam Phi do luật yêu cầu những công ty lớn phải cung cấp 30% vốn cho các nhóm từng chịu thiệt thòi trong lịch sử.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubi tuyên bố không đến Nam Phi dự hội nghị G20, diễn ra vào tháng 2 này cùng cáo buộc chính phủ nước chủ nhà đưa ra chương trình nghị sự "chống Mỹ".