Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất châu Âu sẽ đóng cửa vào năm 2033

THỤY SĨ - Nhà máy điện hạt nhân Beznau của Thụy Sĩ, một trong những nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất thế giới, sẽ tiếp tục hoạt động cho đến năm 2033.

Đơn vị vận hành nhà máy thông báo vào như vậy vào ngày 5/12, trong khi các nhà môi trường yêu cầu nhà máy nên bị đóng cửa "ngay lập tức".

Công ty năng lượng Axpo, đơn vị điều hành nhà máy ở miền bắc Thụy Sĩ bắt đầu hoạt động vào năm 1969 cho biết, thời điểm ngừng hoạt động, nhà máy này sẽ tròn 64 tuổi.

dien-hat-nhan-061224
Nhà máy điện hạt nhân Beznau của Thụy Sĩ - Ảnh: AFP

Thụy Sĩ không đặt ra giới hạn tuổi thọ tối đa cho các nhà máy điện hạt nhân của mình.

Tại nước này, 4 nhà máy điện hiện đang hoạt động, cung cấp khoảng một phần ba tổng sản lượng điện cho cả nước.

Axpo cho biết, họ đã tiến hành "một cuộc đánh giá toàn diện" trước khi xác định thời gian cắt giảm cho Beznau và rằng "an toàn là ưu tiên hàng đầu".

Công ty sẽ duy trì một trong hai tổ máy trên lưới điện cho đến năm 2032, tổ máy còn lại sẽ tiếp tục hoạt động cho đến năm 2033, đồng thời cho biết thêm rằng, công ty có kế hoạch đầu tư thêm 350 triệu franc Thụy Sĩ (396 triệu đô la) vào nhà máy này.

Quỹ Năng lượng Thụy Sĩ (SES) cho biết, việc ấn định ngày cắt giảm điện hạt nhân là "hợp lý" sau khi Thụy Sĩ thông qua luật đẩy nhanh quá trình phát triển năng lượng tái tạo như một phần trong nỗ lực đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 - vào tháng 6 vừa qua.

Người Thụy Sĩ đã chấp thuận việc loại bỏ dần năng lượng hạt nhân trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2017, bằng cách cấm xây dựng các nhà máy điện mới.

Luật đó là kết quả của một quá trình dài bắt đầu sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản do sóng thần gây ra.

Greenpeace, tổ chức kêu gọi Axpo nhanh chóng đóng cửa hai lò phản ứng tại Beznau, đã chỉ trích mạnh mẽ thông báo được đưa ra hôm 5/12.

Tổ chức này cảnh báo rằng, việc duy trì hoạt động của cơ sở cũ kỹ này là rất nguy hiểm và nhấn mạnh rằng sản lượng năng lượng tái tạo ngày càng tăng đã khiến sản lượng của Beznau trở nên "dư thừa".

Bình luận