Theo tờ Nikkei, sự khan hiếm thuốc điều trị cúm và tình trạng quá tải bệnh viện đang là vấn đề nghiêm trọng. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt này là việc một số cơ sở y tế tích trữ thuốc quá mức khiến nguồn cung không được phân bổ đều, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc cục bộ.
Dữ liệu từ Viện Bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID) cho thấy, trong khoảng thời gian từ 2/9/2024 đến 26/1/2025, Nhật Bản ghi nhận hơn 9,5 triệu ca mắc cúm. Số ca mắc cúm tại các cơ sở y tế trong tuần từ 23-29/12/2024 đã vượt mốc 300.000, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước và đạt mức kỷ lục từ trước đến nay.
Tại nhiều bệnh viện, số ca mắc cúm trung bình mỗi tuần đã vượt mức cảnh báo, khiến tình hình dịch bệnh càng thêm nghiêm trọng.

Số bệnh nhân nhập viện vì biến chứng của cúm cũng tăng đột biến. Tại Bệnh viện Đại học Kagoshima, số bệnh nhân bị viêm phổi do cúm đã tăng gần ba lần so với mùa cúm năm 2024.
Các bệnh viện ở các thành phố lớn như Tokyo đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, nhiều bệnh viện không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân do thiếu giường bệnh. Tại thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama, bệnh nhân cấp cứu phải chờ đợi lên đến 7 giờ mà vẫn không tìm được bệnh viện tiếp nhận.
Một yếu tố khác góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng này là việc thiếu hụt thuốc điều trị cúm. Công ty dược phẩm Sawai Pharmaceutical, một trong những nhà cung cấp thuốc chính tại Nhật Bản phải tạm dừng cung cấp thuốc trị cúm vào đầu tháng 1/2025.
Công ty này cho biết, nhu cầu thuốc tăng đột biến từ giữa tháng 12/2024 vượt quá khả năng cung cấp của họ. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu thuốc trầm trọng tại các cơ sở y tế.
Theo ước tính của các chuyên gia Nhật Bản, mùa cúm 2025 có thể gây thiệt hại lên tới 6.300 tỷ yen, không chỉ do chi phí điều trị mà còn bởi tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi nhiều người lao động phải nghỉ ốm.
Trước tình trạng này, chính phủ Nhật Bản yêu cầu các cơ sở y tế điều chỉnh lại việc đặt hàng thuốc, chỉ mua theo nhu cầu thực tế và tìm các nguồn thuốc thay thế để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt.