Kể từ sau thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011 ở Fukushima, Nhật Bản đã đóng cửa tất cả 54 lò phản ứng hạt nhân. Kể từ đó, đã có 12 lò hoạt động trở lại nhưng chưa có lò nào ở các khu vực phía đông và phía bắc.
Lò phản ứng số 2 có công suất 825 MW ở nhà máy điện hạt nhân Onagawa là lò đầu tiên ở phía đông Nhật Bản hoạt động trở lại, có vị trí nằm gần tâm chấn thảm họa động đất nhất.
Đây là kiểu lò phản ứng hạt nhân nước sôi (BWR) cùng loại với lò phản ứng ở Fukushima, thuộc nhóm lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ và được sử dụng để sản xuất điện.
Như vậy tổng số lò phản ứng hạt nhân hoạt động trở lại ở Nhật Bản tính đến nay là 13 lò, với tổng công suất đạt 12.433 MW.
Công ty điện lực Tohoku đã dành hơn một thập kỷ để hoàn thành công việc xây dựng nhằm tăng cường độ an toàn cho nhà máy, bao gồm xây dựng bức tường chắn thủy triều cao 29 mét và nâng cấp khả năng chống động đất của lò phản ứng. Tổng số vốn đầu tư cho lần tái vận hành này lên đến 570 tỷ yen (3,72 tỷ USD).
Ngoài ra, theo kế hoạch vào cuối năm nay, công ty điện lực Chugoku cũng sẽ tái khởi động lại lò phản ứng số 2 có công suất 820 MW tại nhà máy điện hạt nhân Shimane cũng nằm ở phía đông.
Như vậy với việc các lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện hoạt động trở lại, dự kiến nhu cầu năng lượng về khí hóa lỏng (LNG) ở Nhật Bản sẽ giảm vào năm sau.
Người phát ngôn công ty điện lực Tohoku cho biết việc khởi động lại lò phản ứng hạt nhân dự kiến sẽ thúc đẩy lợi nhuận của công ty thêm 13 tỷ yên trong năm tài chính 2024 - sẽ kết thúc vào tháng 3 năm sau, vì mức chi cho nhiên liệu hóa thạch thấp hơn sẽ bù đắp cho chi phí khấu hao và các chi phí khác của nhà máy Onagawa.
Phát biểu trước báo giới ngày 29/10, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshimasa Hayashi, cho biết: “Năng lượng hạt nhân, cùng với năng lượng tái tạo, là một nguồn năng lượng khử carbon quan trọng và chính sách của chúng tôi là tận dụng tối đa nguồn năng lượng này với điều kiện đảm bảo an toàn.”
Việc tăng cường hoạt động các nhà máy điện hạt nhân được cho là sẽ giúp Nhật Bản đáp ứng mục tiêu cắt giảm khí thải, giảm nhập khẩu năng lượng hóa thạch trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng tại các nhà máy bán dẫn, và các trung tâm dữ liệu hỗ trợ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), theo Reuters.
Nhật Bản đã quay trở lại với năng lượng hạt nhân để cắt giảm khí thải, giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ và đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các trung tâm dữ liệu liên quan trí tuệ nhân tạo (AI).
Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng đến năm 2050, tổng sản lượng điện nước này sản xuất sẽ tăng từ 1,35 ngàn tỷ kWh lên 1,5 ngàn tỷ kWh, đặc biệt trong tương lai khi nước này định hướng sẽ thành lập thêm nhiều trung tâm dữ liệu, nhà máy sản xuất chip và các công ty tiêu thụ năng lượng quy mô lớn khác.