Trong cuộc phỏng vấn với NBC News hôm 15/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông chắc chắn rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách tạm dừng chiến sự ở Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn hơn nhằm vào NATO.
Theo ông Zelensky, nếu có một lệnh ngừng bắn, Nga sẽ tận dụng thời gian để tái tập hợp lực lượng, huấn luyện binh sĩ và triển khai các biện pháp chiến lược trước khi mở rộng chiến dịch quân sự.
“Tôi không biết chính xác khi nào ông Putin ra tay, nhưng nó sẽ xảy ra – có thể vào đầu mùa hè hoặc cuối mùa hè,” ông Zelensky cảnh báo.

Phát biểu vào ngày 16/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ hoàn toàn nhận định của ông Zelensky. Ông nhấn mạnh không tin dù chỉ một chút vào khả năng Nga mở rộng xung đột ra NATO.
“Tôi tin rằng điều ông Putin thực sự muốn là dừng giao tranh,” ông Trump tuyên bố.
Tổng thống Mỹ khẳng định Nga đã tham chiến trong một thời gian dài và hiện muốn tìm kiếm một giải pháp. “Họ là một cỗ máy lớn, mạnh mẽ. Họ từng đánh bại phát xít Đức và Napoleon. Nhưng tôi nghĩ ông Putin muốn chấm dứt chiến tranh,” ông Trump nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Trump cũng tiết lộ rằng ông hy vọng sẽ sớm gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin sau cuộc điện đàm giữa hai bên vào ngày 12/2. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo đối thoại trực tiếp kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Nga bác bỏ cáo buộc, khẳng định NATO "tự dựng mối đe dọa"
Moscow nhiều lần tuyên bố cáo buộc về việc Nga có ý định tấn công NATO là vô căn cứ. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đây là "chiêu bài hù dọa" của phương Tây nhằm duy trì sự thống nhất nội bộ.
Nga cũng phản đối việc Ukraine gia nhập NATO, cho rằng đây là mối đe dọa an ninh trực tiếp và là một trong những lý do chính khiến Moscow triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, NATO vẫn xem Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của khối, đồng thời khẳng định nếu Ukraine thất thủ, các quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Estonia, Latvia hoặc Lithuania có thể trở thành mục tiêu tiếp theo.
Phát ngôn của ông Trump có thể báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga. Từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng Mỹ không nên gánh vác toàn bộ trách nhiệm bảo vệ châu Âu và cần tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt xung đột.
Với việc ông Trump tiếp tục giữ lập trường mềm mỏng với Nga, giới phân tích cho rằng chính quyền Washington có thể sẽ giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine, thay đổi cách tiếp cận với NATO và mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ - Nga.