Ông Trump đóng băng viện trợ cho Nam Phi sau đạo luật cải cách ruộng đất

MỸ - Ngày 7/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp, theo đó đình chỉ nguồn tài trợ của nước này dành cho Nam Phi vì đạo luật cải cách ruộng đất.

Sắc lệnh của Trump yêu cầu đóng băng viện trợ vì lý do đạo luật cho phép chính phủ Nam Phi tịch thu đất đai của các nông dân da trắng mà không cần phải bồi thường.

Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Mỹ chỉ trích đạo luật này cho rằng nó sẽ tạo điều kiện cho chính phủ Nam Phi tước đoạt tài sản nông nghiệp của cộng đồng Afrikaner thiểu số mà không có bất kỳ sự đền bù nào.

Ông Trump nhấn mạnh rằng động thái này sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ giữa hai quốc gia, đặc biệt khi xét đến những căng thẳng về chính sách đối ngoại trong vấn đề Trung Đông, liên quan đến việc Nam Phi kiện Israel ra Tòa án Công lý Quốc tế vì cáo buộc diệt chủng ở Gaza.

AFP-trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida ngày 7/2 - Ảnh: AFP

Sắc lệnh của Tổng thống Mỹ cũng đề cập đến việc tái định cư cho những người tị nạn Afrikaner đang phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Người Afrikaner là nhóm da trắng có gốc gác từ các thực dân Hà Lan và Pháp đã định cư tại Nam Phi từ thế kỷ 17. Chính phủ Mỹ cũng khẳng định sẽ hỗ trợ cho nhóm này trong việc tìm nơi cư trú ở các quốc gia khác.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, gần 440 triệu USD viện trợ đã được phân bổ cho Nam Phi trong năm 2023. Tuy nhiên, động thái đóng băng viện trợ khiến tương lai của các chương trình hợp tác quốc tế giữa hai quốc gia này trở nên mờ mịt.

Luật cải cách ruộng đất mà Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ký vào tháng trước đã quy định rằng trong một số trường hợp, chính phủ có thể tịch thu đất đai mà không cần phải bồi thường.

Chính quyền Nam Phi cho biết đây là bước đi cần thiết để xóa bỏ sự bất bình đẳng chủng tộc trong quyền sở hữu đất đai, một vấn đề lâu dài tồn tại từ thời kỳ apartheid. Tuy nhiên, đạo luật này gây tranh cãi lớn, nhất là trong cộng đồng người da trắng khi đa số đất đai vẫn thuộc sở hữu của họ, mặc dù chế độ apartheid đã kết thúc từ 30 năm trước.

Tỷ phú Elon Musk, người sinh ra ở Nam Phi và là đồng minh của ông Trump chỉ trích luật này, cho rằng đây là một hình thức phân biệt chủng tộc.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị G20 sắp tới ở Nam Phi vì cho rằng chính phủ nước này có một chương trình nghị sự chống lại Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Ramaphosa phản bác rằng Nam Phi sẽ "kiên cường và không thể bị bắt nạt", khẳng định rằng quốc gia này sẽ luôn bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền và hiến pháp dân chủ.

Nam Phi hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, đặc biệt là tỷ lệ người mắc HIV/AIDS cao nhất thế giới. Khoảng 5,5 triệu người dân nước này đang được điều trị bằng thuốc ARV, và 17% trong số các chương trình điều trị này phụ thuộc vào viện trợ quốc tế từ Mỹ. Việc cắt giảm viện trợ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với công tác phòng chống AIDS/HIV tại Nam Phi.

Bình luận