Đăng nhập

Ông Trump ký sắc lệnh yêu cầu chứng minh quốc tịch khi đi bầu cử

00:00
00:00
00:00
VOH - Tổng thống Trump ký sắc lệnh yêu cầu cử tri chứng minh quốc tịch khi đăng ký bầu cử, siết chặt quy định phiếu vắng mặt và cảnh báo trừng phạt các bang không tuân thủ.

Ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm thắt chặt quy định trong các cuộc bầu cử liên bang, trong đó nội dung đáng chú ý là yêu cầu cử tri phải chứng minh quốc tịch khi đăng ký bỏ phiếu tại bang cư trú.

Tại buổi ký sắc lệnh diễn ra ở Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh: "Có thể một số người cho rằng tôi không cần phải lo lắng vì chúng tôi đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tháng 11. Nhưng sự minh bạch trong bầu cử là điều tối quan trọng. Quốc gia này đã bị tổn thương quá nhiều bởi những cuộc bầu cử không trung thực".

250325-donald-trump-eo-elections-ac-611p-4e2a77 (1)Xem toàn màn hình
Tổng thống Mỹ Donald Trump trưng sắc lệnh vừa được ký ở Nhà Trắng, ngày 25/3/2025 - Ảnh: AFP 

Theo sắc lệnh mới, người dân sẽ phải cung cấp các loại giấy tờ chứng minh quốc tịch khi làm thủ tục đăng ký bỏ phiếu.

Theo luật liên bang từ năm 1996, chỉ công dân Mỹ mới được quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang. Những người vi phạm quy định này có thể phải đối mặt với án phạt tiền, tù giam hoặc trục xuất khỏi lãnh thổ Mỹ.

Sắc lệnh cũng quy định các lá phiếu bầu vắng mặt hoặc gửi qua thư đến sau ngày bầu cử sẽ không được công nhận, bất kể có dấu bưu điện hợp lệ hay không.

Các bang không thực hiện đúng chỉ đạo này có thể bị cắt giảm nguồn tài trợ từ liên bang cho hoạt động bầu cử. Bộ trưởng Tư pháp được trao quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để xử lý những bang không tuân thủ quy định.

AP25070722432943-e1742986336912
Sắc lệnh mới của Tổng thống Donald Trump yêu cầu người dân phải trình bằng chứng về quốc tịch khi bỏ phiếu, và các lá phiếu bầu vắng mặt hoặc qua thư đến sau ngày bầu cử sẽ không được công nhận - Ảnh: AP

Quy định mới của chính quyền Trump được cho là có thể gây xáo trộn lớn đối với hệ thống bầu cử hiện tại, khi một số bang vẫn chấp nhận các lá phiếu được gửi đến sau ngày bầu cử, miễn là có dấu bưu điện xác thực rằng chúng đã được gửi đúng hạn.

Sắc lệnh này cũng vấp phải chỉ trích dữ dội từ giới học giả và các tổ chức dân sự.

Giáo sư luật Richard Hasen từ Đại học California mô tả sắc lệnh  là "nguy hiểm" và có nguy cơ tước quyền bầu cử của hàng triệu người. Ông cho rằng việc ban hành quy định về bầu cử thuộc thẩm quyền của Quốc hội và các bang, chứ không phải tổng thống.

Trung tâm Tư pháp Brennan, một tổ chức chính sách công độc lập, cảnh báo rằng sắc lệnh sẽ gây trở ngại cho hàng chục triệu công dân trong việc thực hiện quyền công dân cơ bản.

Trên mạng xã hội X, tổ chức này khẳng định: "Tổng thống không có quyền áp đặt những điều này."

Tổ chức ACLU (Liên minh Tự do Dân sự Mỹ) cũng lên án sắc lệnh là một hành động "lạm quyền nghiêm trọng" và tuyên bố sẽ đưa vấn đề ra tòa.

Trở về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, dù không đưa ra bằng chứng cụ thể song ông Trump từ lâu vẫn cáo buộc hình thức bỏ phiếu vắng mặt là nguyên nhân gây ra gian lận diện rộng trong cuộc bầu cử này, khi ông không công nhận thất bại trước ông Joe Biden.

Bình luận