Theo dữ liệu của chính phủ Peru, các trường hợp tử vong vì bệnh sốt xuất huyết ở quốc gia Nam Mỹ này tính đến nay đã tăng gấp 3 lần, và công tác kềm chế sự lây lan của dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt tại các khu vực có mức sống thấp.
Khi mắc sốt xuất huyết, nếu ở thể nhẹ sẽ có các triệu chứng như buồn nôn, phát ban và đau nhức cơ thể. Nếu bệnh diễn tiến nặng, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai, có thể gây xuất huyết bên trong cơ thể và dẫn đến tử vong.
Bộ Y tế Peru cho biết tính từ đầu năm đến ngày 11/4, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng hơn 3 lần với 135.000 ca; trong đó ghi nhận 117 trường hợp không qua khỏi. Con số này ở cùng kỳ năm 2023 là 33 trường hợp.
Số ca nhiễm sốt xuất huyết cao nhất được ghi nhận tại các khu dân cư nghèo ở các vùng ven biển và phía bắc Peru, bao gồm cả thủ đô Lima. Các chuyên gia cho rằng tình hình hiện tại ở Peru rất đáng báo động vì muỗi vằn (tên khoa học Aedes Aegypti), nguồn lây bệnh chủ yếu, đang xuất hiện ở khắp mọi nơi và thậm chí có thể sinh sôi tại những khu vực trước kia chưa bao giờ ghi nhận bệnh sốt xuất huyết.
Chính phủ của Tổng thống Dina Boluarte trong tuần này đã phê duyệt nghị định khẩn cấp cho phép thực thi các biện pháp kinh tế đặc biệt trong chiến dịch chống sự bùng phát của sốt xuất huyết - vốn đang trở nên ngày càng nghiêm trọng do các tác động của biến đổi khí hậu làm làm thay đổi tập tính sinh sản của loài muỗi vằn. Các khu dân cư nghèo, nghĩa trang ở thủ đô Lima đã được tiến hành khử trùng.


Nhà dịch tễ học Augusto Tarazona của Đại học Lima nhận định: "Loài muỗi đã và đang thích nghi với biến đổi khí hậu và sinh sản với tốc độ nhanh hơn các năm trước."
"Tình hình tại Nam Mỹ đang nguy cấp", ông Tarazona nói.
Về tỷ lệ mắc bệnh so với quy mô dân số, ông Tarazona cho biết số ca mắc sốt xuất huyết ở Peru hiện tại là 330,27 ca/100.000 người. Nước này cũng ghi nhận cả số ca nhiễm và tử vong cao hơn các nước Nam Mỹ khác là Brazil và Argentina.