Chờ...

Phản ứng của cộng đồng quốc tế trước lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel của ICC

VOH - Lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) vì cáo buộc tội ác chiến tranh gây làn sóng phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế.

Ngày 21/11, ICC ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người trong cuộc xung đột với Hamas tại Dải Gaza.

Quyết định này ngay lập tức gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Israel và các quốc gia đồng minh, đồng thời chia rẽ quan điểm trong cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phản đối mạnh mẽ, gọi quyết định của ICC là "thái quá" và khẳng định Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng Israel trước các mối đe dọa. Nhà Trắng chỉ trích quy trình của ICC là "vội vàng và nhiều sai sót," đồng thời khẳng định tòa án không có thẩm quyền trong vụ việc này.

Thủ tướng Israel Netanyahu bác bỏ lệnh bắt giữ, gọi đây là hành động “chống Do Thái” và tuyên bố Israel sẽ không nhượng bộ trước áp lực. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo vệ công dân và lãnh thổ Israel khỏi các mối đe dọa khủng bố.”

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gallant cũng chỉ trích lệnh bắt giữ là "tiền lệ nguy hiểm," làm suy yếu quyền tự vệ của Israel trước các nhóm vũ trang như Hamas và Hezbollah.

Liên minh châu Âu (EU) đưa ra quan điểm trái ngược, nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế. Đại diện cấp cao Josep Borrell tuyên bố: "Lệnh bắt giữ của ICC không mang tính chính trị, mà là quyết định pháp lý cần được tôn trọng và thực thi."

Tuy nhiên, một số quốc gia như Hungary và Cộng hòa Séc chỉ trích quyết định này. Thủ tướng Séc Petr Fiala gọi đây là "sai lầm," trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban bày tỏ sự "đáng tiếc." Ngược lại, các nước như Hà Lan, Thụy Sĩ và Italia cam kết tuân thủ Quy chế Rome và hỗ trợ thực thi lệnh bắt giữ.

Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani nhấn mạnh vai trò pháp lý của ICC cần được duy trì, nhưng cảnh báo cần phân biệt rõ ràng các yếu tố liên quan đến tổ chức khủng bố như Hamas.

Vu-thu-linh-Hezbollah-bi-ha-sat-Thu-tuong-Israel-Netanyahu-len-tieng-1-1727569906-508-width1024height683_jpg
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Ảnh: REUTERS

Trung Quốc kêu gọi ICC giữ lập trường khách quan, tuân thủ luật pháp quốc tế và tránh gây thêm căng thẳng. Trong khi đó, chính quyền Palestine hoan nghênh lệnh bắt giữ, xem đây là "tia hy vọng" thể hiện sự công bằng từ cộng đồng quốc tế đối với những hành động của Israel.

Theo lý thuyết, lệnh bắt giữ của ICC hạn chế quyền đi lại của ông Netanyahu và ông Gallant, khi bất kỳ quốc gia thành viên ICC nào cũng có nghĩa vụ bắt giữ nếu họ đặt chân đến lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, các lệnh bắt giữ như vậy thường mang tính biểu tượng, vì các quan chức cấp cao thường tránh các quốc gia có nghĩa vụ thực thi.

Năm ngoái, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Putin, và yêu cầu 124 quốc gia thành viên phải thi hành lệnh bắt giữ ngay khi ông Putin đặt chân đến một trong các quốc gia này, sau đó di lý ông Putin đến tòa án ở Hague.  Tuy nhiên, trên thực tế ICC gần như không thể can thiệp nếu nếu các nước thành viên không tuân thủ yêu cầu trên.