Pháp hủy kế hoạch tăng thuế điện để giảm thâm hụt ngân sách

VOH - Thủ tướng Pháp Michel Barnier vừa quyết định hủy bỏ kế hoạch tăng thuế điện trong nỗ lực nhằm giảm thâm hụt ngân sách công.

Ngày 28/11, Thủ tướng Pháp Michel Barnier tuyên bố hủy bỏ kế hoạch tăng thuế điện được đưa ra trong dự thảo ngân sách năm 2025.

Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen nhận định động thái của Thủ tướng Barnier chưa đủ để tránh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Theo dự thảo ngân sách 2025 đưa ra trước đó, kế hoạch tăng thuế điện của Chính phủ của Thủ tướng Barnier kỳ vọng sẽ thu được khoảng 3 tỷ euro (3,17 tỷ USD), mức thuế này đã duy trì ở mức gần bằng 0 trong suốt 2 năm khủng hoảng năng lượng.

Việc hủy bỏ tăng thuế điện nằm trong nỗ lực lớn hơn nhằm giảm thâm hụt ngân sách công với các khoản thuế tăng thêm và cắt giảm chi tiêu tổng cộng lên tới 60 tỷ euro.

ttxvn-thu-tuong-phap-resize-2599-5-3
Thủ tướng Pháp Michel Barnier - Ảnh: THX/TTXVN

Kế hoạch ngân sách 2025 đã khiến Thủ tướng Barnier và chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron hứng chịu sự phản đối mạnh mẽ từ cả phe cánh tả và cực hữu, cùng với việc phải lựa chọn hoặc điều chỉnh tham vọng tài chính của ngân sách và đe dọa đến sự ổn định tài chính của Pháp, hoặc phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Chủ tịch đảng RN Jordan Bardella đánh giá quyết định nhượng bộ của Thủ tướng Barnier là một thắng lợi của phe cực hữu. Ông Bardella lưu ý thêm vẫn còn nhiều vấn đề liên quan tới lương hưu và thay đổi các khoản đóng góp mà các công ty phải trả cho hệ thống bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Antoine Armand nêu quan điểm của chính phủ là sẵn sàng cho những nhượng bộ có chừng mực để làm dịu tình hình và tránh một cuộc khủng hoảng chính trị hoặc tài chính.

Mặt khác, ông Armand cảnh báo rằng nếu ngân sách không được thông qua, điều này có thể gây ra biến động lớn trên các thị trường tài chính.

Thủ tướng Barnier đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong thúc đẩy các chính sách. Liên minh cầm quyền hiện tại nhận được sự ủng hộ của 235 nghị sĩ, vẫn chưa đủ đa số tuyệt đối cần thiết 289/577 nghị sĩ trong Quốc hội.

Tình thế này khiến Thủ tướng Barnier có thể phải sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp, cho phép chính phủ thông qua các dự luật mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội. Hành động này cũng có thể dẫn đến việc các đảng đối lập yêu cầu tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Bình luận