Philippines yêu cầu Trung Quốc bồi thường 1 triệu đô la sau vụ đụng độ trên Biển Đông

VOH - Ngày 4/7, người đứng đầu quân đội Philippines cho biết, nước này yêu cầu Trung Quốc bồi thường 60 triệu peso (1 triệu USD) cho tài sản bị hư hại sau vụ đụng độ trên Biển Đông hồi tháng 6.

Ông Romeo Brawner, tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines phát biểu trước các phóng viên trong cuộc họp báo rằng, yêu cầu này sẽ bao gồm việc bồi thường thiệt hại cho một chiếc tàu và thiết bị liên lạc.

Trước đó, Philippines từng yêu cầu Trung Quốc trả lại một số súng trường và thiết bị mà lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc thu giữ tại một bãi cạn đang tranh chấp và bồi thường thiệt hại trong một vụ tấn công được ví như ‘hành vi cướp biển’ ở Biển Đông.

philippines-040724
Ba xuồng cao tốc của hải cảnh Trung Quốc ép sát xuồng cao tốc Philippines ở Bãi Cỏ Mây ngày 17/6 - Ảnh: CCTV

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc từng đụng độ tàu hải quân Philippines vào ngày 17/6.

Sau vụ việc, Philippines tố hải cảnh Trung Quốc đã 'cướp' súng từ một binh sĩ trên tàu Philippines ở Biển Đông. Còn Bắc Kinh tố tàu Philippines mang theo vũ khí và vật liệu xây dựng để chiếm đóng bãi Cỏ Mây.

Bộ Ngoại giao Philippines nói "những hành động bất hợp pháp và hung hăng" của Trung Quốc trong chuyến tiếp tế thường lệ của Manila ở Biển Đông khiến một thủy thủ bị thương nặng (trong đó một người bị mất một ngón tay sau vụ việc), một số tàu bị hư hại. Philippines cũng tố phía Trung Quốc thu giữ vũ khí.

Manila yêu cầu Trung Quốc phải tránh các hành động gây nguy hiểm cho thủy thủ và tàu thuyền ở Biển Đông, đồng thời cho biết thêm rằng hòa bình không thể đạt được nếu Bắc Kinh ‘nói một đằng làm một nẻo’.

Phán quyết ngày 12/7/2016 của Hội đồng trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nhấn mạnh, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định.

Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết và triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu thuyền khác để tuần tra và bồi đắp trái phép một số rạn san hô thành đảo nhân tạo.