Sputnik đưa tin, trong cuộc trao đổi với một tờ báo Anh ngày 7/11, Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Kathryn Huff nhấn mạnh điều quan trọng hiện tại là thoát phụ thuộc, đặc biệt là phụ thuộc Nga. “Điều này thực sự là vấn đề then chốt đối với an ninh quốc gia, khí hậu và độc lập về năng lượng”, ông Huff nói.
Chỉ trong nửa đầu năm 2023, lượng urani làm giàu mà Mỹ nhập khẩu từ tập đoàn Rosatom của Nga đã tăng gấp đôi, chiếm đến 1/4 lượng nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân. Sự gia tăng này bất chấp động thái Mỹ thúc đẩy chấm dứt nhập khẩu năng lượng của Nga trên toàn cầu.
Mỹ bắt đầu mua urani đã làm giàu từ Nga sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc theo chương trình “Megatons to Megawatts”.
Sau thảm họa hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản) năm 2011, nhiều nước đã tạm dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đẩy một số công ty tư nhân như Westinghouse (Mỹ) và Areva SA (Pháp) đi đến phá sản. Rosatom của Nga lại khác, “vững vàng” trong biến động, trở thành công ty mới cung cấp urani làm giàu, thâm nhập vào các thị trường.
Một trong những lý do khác đẩy Mỹ đến việc mua nhiên liệu hạt nhân từ Nga là thiếu một ngành công nghiệp phù hợp để khai thác, tinh chế và sản xuất thanh nhiên liệu hạt nhân U-235 có thể đáp ứng nhu cầu của ngành điện hạt nhân. Và Mỹ đã chọn Rosatom làm nguồn cung bù đắp cho thiếu hụt này.
Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, Rosatom cung cấp khoảng 25% lượng urani làm giàu mà Mỹ nhập khẩu trong nửa đầu năm 2023 và khoảng 14% nhiên liệu hạt nhân nước này nhập khẩu năm 2022.